(SGGP).- Chiều 18-11, nhân kỷ niệm 32 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, đoàn đại biểu TPHCM do đồng chí Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM làm trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, chúc mừng GS-TS, Nhà giáo Nhân dân Trần Hồng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (ảnh).
Thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN TPHCM, đồng chí Lê Hoàng Quân đã ân cần thăm hỏi sức khỏe GS-TS Trần Hồng Quân và đánh giá cao tài năng, tâm huyết, những cống hiến không mệt mỏi cho sự phát triển giáo dục của nước nhà. Đồng chí Lê Hoàng Quân chúc GS-TS Trần Hồng Quân cùng gia đình luôn dồi dào sức khỏe và tiếp tục có nhiều đóng góp, hiến kế cho sự nghiệp đổi mới giáo dục cả nước nói chung và TPHCM nói riêng.
Chiều cùng ngày, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM cùng đoàn cán bộ Sở GD-ĐT TP đã đến thăm hỏi gia đình cố GS Trần Đại Nghĩa, chúc sức khỏe bà Nguyễn Thị Khánh, vợ cố GS Trần Đại Nghĩa nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Đoàn cũng đến thăm và chúc sức khỏe GS-TS Trương Minh Vệ, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM.
Trước đó, đồng chí Võ Tiến Sĩ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM đã đến thăm, tặng quà và chúc mừng nhà giáo Trương Song Đức, nguyên Thành ủy viên, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM và Nhà giáo nhân dân Vũ Thị Oanh Cơ, nguyên Phó trưởng phòng GD-ĐT quận 1. Mặc dù tuổi cao, sức khỏe suy giảm nhưng cả hai nhà giáo vẫn dành nhiều tâm huyết, dõi theo những bước phát triển của hoạt động giáo dục tại TPHCM.
Cùng ngày, đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã đến thăm GS-TSKH Nguyễn Tấn Lập, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM và PGS-TS Mai Cao Chương, nguyên Trưởng khoa Văn học và ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM.
NHÓM PV
TPHCM vinh danh 186 nhà giáo trẻ tiêu biểu
(SGGP).- Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, chiều 18-11, Thành đoàn TPHCM tổ chức tuyên dương 186 nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp thành phố năm 2014. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà đã đến dự. Các nhà giáo trẻ tiêu biểu được vinh danh năm nay là những gương điển hình được Thành đoàn TPHCM bình chọn từ 550 hồ sơ do các trường gửi về.
Trong số 186 nhà giáo trẻ tiêu biểu được vinh danh có 11 giáo viên mầm non, 34 giáo viên tiểu học, 41 giáo viên THCS, 30 giáo viên THPT - Trung tâm GDTX, 8 giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, 10 giáo viên cao đẳng, 52 giảng viên đại học. Đó là những giáo viên, giảng viên trẻ tham gia tích cực cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc, có đạo đức tốt, chuyên môn giỏi, cống hiến tích cực cho cộng đồng, được học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp yêu mến.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà trao giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu năm 2014”.
Thay mặt lãnh đạo TPHCM, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà gửi lời chúc mừng đến các nhà giáo trẻ được tuyên dương và bày tỏ sự tin yêu, kỳ vọng của lãnh đạo và nhân dân thành phố mong muốn các nhà giáo trẻ tiêu biểu tiếp tục tỏa sáng, góp phần giúp sự nghiệp trồng người ngày càng gặt hái được những kết quả cao quý hơn. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà cũng đề nghị tất cả các thầy cô giáo - những người làm công tác giáo dục trên địa bàn TP hãy nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, tìm tòi, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, thực hiện tốt phương châm “Dạy tốt, học tốt”, tích cực thực hiện cuộc vận động “Xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, học sinh tích cực”.
Trong ngày, Thành đoàn TPHCM cũng tổ chức liên hoan “Nhà giáo trẻ tiêu biểu lần VII - năm 2014” với nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa: Dâng hoa, dâng hương tại Bảo tàng Hồ Chí Minh; triển lãm Nhà giáo trẻ tiêu biểu tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP; chương trình Nhà giáo trẻ đồng hành cùng phong trào “Học sinh 3 tích cực” tại Trường THPT Marie Curie; chương trình Nhà giáo trẻ đồng hành cùng phong trào “Học sinh 3 rèn luyện” tại Trường Trung cấp KT-KT Nguyễn Hữu Cảnh; chương trình “Nhà giáo trẻ đồng hành cùng phong trào “Sinh viên 5 tốt” tại Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TPHCM; tọa đàm “Thắp lửa lòng yêu nghề” tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM…
TUẤN VŨ
Hào hứng với “lớp học đảo ngược”
Giáo viên soạn giáo án điện tử, làm “clip” hoặc “file” ghi âm bài học để đưa lên mạng. Học sinh xem trước bài ở nhà, nắm được nội dung chính; khi vào lớp các bạn sẽ cùng giáo viên thảo luận, nghiên cứu sâu về các kiến thức có trong bài học. Phương pháp giảng dạy này đang được áp dụng hiệu quả tại một số cơ sở đào tạo trên cả nước, tạo hứng thú cho học sinh.
Đảo ngược “truyền thống”
Không giống như không khí tĩnh lặng thường thấy trong các lớp học phổ thông khác, tại lớp thầy Trần Ngô Định Công, ngay từ đầu buổi học sinh đã sôi nổi trao đổi kiến thức mở rộng mà không cần nghe thầy giảng lý thuyết. Cả thầy lẫn trò hoạt động tương tác với nhau liên tục bằng những câu hỏi và đáp. Thời gian “chết” nếu có chỉ là lúc các em bắt tay làm bài tập.
Sau buổi học, thầy Công giải thích: “Đây là một trong số những lớp mà chúng tôi áp dụng phương pháp “Lớp học đảo ngược (Flipped Classroom)”. Nếu như với cách học truyền thống, học sinh học lý thuyết trên lớp, về nhà làm bài tập. Khi chuyển sang mô hình Flipped Classroom, các em sẽ học lý thuyết, nắm bắt kiến thức ở nhà thông qua các video clip bài giảng được chúng tôi chia sẻ trên mạng. Thời gian trên lớp dành cho thảo luận và đào sâu vấn đề, sau đó các em làm bài tập để hiểu rõ vấn đề hơn”.
Thầy Trần Ngô Định Công đang thiết kế bài giảng trực tuyến.
Các video clip bài giảng này được thầy Công soạn Power Point kết hợp với với bảng Wacom (bảng viết điện tử) để thao tác giảng. Thường thì các bài giảng cho bài kế tiếp được thầy soạn vào buổi sáng, sau các giờ dạy. Chờ đến tối, khi mọi thứ xung quanh tĩnh lặng, thầy bắt tay vào ghi hình trên máy tính và thu âm kiến thức mà thầy muốn truyền đạt. “Việc cuối cùng là chia sẻ clip bài giảng lên website giáo dục trực tuyến có tên Zuni.vn. Ở đó, chúng tôi thiết kế như một lớp học trực tuyến, các em đăng nhập vào để xem bài giảng, nếu không hiểu gì các em có thể gửi câu hỏi ngay trên đó để chúng tôi trả lời. Buổi học ngày hôm sau sẽ dành để trả lời thêm thắc mắc, hỏi đáp kiến thức mở rộng và làm bài tập” - thầy Công chia sẻ.
Không chỉ hỗ trợ bài giảng, các chủ đề thảo luận, các bài thi thử các năm trước cũng được thầy Công cập nhật lên Zuni.vn, giúp học sinh có nhu cầu tìm hiểu trước.
Hiệu quả
Theo thầy Công, nếu trước đây, để giảng 3 bài học, phải mất khoảng 3 giờ, thì bây giờ do học sinh đã xem bài trước tại nhà, nên chỉ cần 1 giờ 30 phút là đã giải đáp xong những gì cần giải đáp. Nhờ đó, không còn tình trạng cháy giáo án hoặc không có thời gian làm bài tập tại lớp như trước đây. Thời gian còn lại ở nhà, các em đủ điều kiện làm các bài tập nâng cao nếu muốn.
Tuy nhiên, cách học mới cũng đòi hỏi giáo viên phải tiếp cận với các máy móc phục vụ bài giảng, thiết kế bài giảng cuốn hút học trò hơn. Em Trần Thị Ngọc Huyền (học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu) hóm hỉnh: “Học cách mới thành thói quen rồi, hễ thầy đưa bài lên hơi trễ là bọn em nhắc ngay. Thậm chí có bạn còn ngồi hóng bài giảng tới 1 giờ sáng mới chịu đi ngủ. Có phụ huynh không cho con em mình dùng Internet nhưng khi biết đến “lớp học đảo ngược” này cũng cho con online để xem bài”.
Thầy Phạm Anh Đới, giảng viên Khoa quốc tế, Trường Đại học FPT, khẳng định, mô hình “Lớp học đảo ngược” giúp nâng cao kết quả học tập cho học sinh, sinh viên. Trường Đại học FPT đã triển khai dạy thí điểm trên 4 lớp với 100 sinh viên. Kết quả cho thấy, số sinh viên thi đậu môn thực hành tại Đại học FPT tăng từ 30% ở các lớp thông thường lên 53% khi áp dụng mô hình này.
Cũng theo thầy Đới, lớp học đảo ngược hiện được các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới áp dụng đại trà. Ở Mỹ, số lượng giáo viên áp dụng mô hình Flipped Classroom trong giảng dạy đã tăng lên 78% trong năm 2014, so với chỉ 48% vào năm 2012. Tại Việt Nam, bên cạnh Đại học FPT, một số trung tâm luyện thi đại học và cơ sở giáo dục đã sử dụng mô hình tiên tiến kể trên.
HÂN NGUYỄN