Lập lại kỷ cương trong quảng cáo

Sáng 13-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức buổi hội thảo góp ý cho dự án Luật Quảng cáo (sẽ được Quốc hội đưa ra bàn thảo tại kỳ họp thứ 2 sắp tới). Nhiều ý kiến đến từ những người thực hiện, quản lý hoạt động quảng cáo đã cho thấy sự cần thiết phải có Luật Quảng cáo mới nhằm chấn chỉnh tình hình quảng cáo vốn gây nhiều bức xúc hiện nay.
Lập lại kỷ cương trong quảng cáo

Sáng 13-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức buổi hội thảo góp ý cho dự án Luật Quảng cáo (sẽ được Quốc hội đưa ra bàn thảo tại kỳ họp thứ 2 sắp tới). Nhiều ý kiến đến từ những người thực hiện, quản lý hoạt động quảng cáo đã cho thấy sự cần thiết phải có Luật Quảng cáo mới nhằm chấn chỉnh tình hình quảng cáo vốn gây nhiều bức xúc hiện nay.

  • Lúng túng, mơ hồ

Các đại biểu đã nêu ra những điểm không còn phù hợp với thực tế của Pháp lệnh quảng cáo. Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, đại diện Công ty Quảng cáo Trẻ, nhận xét: “Hiện nay, vấn đề quản lý nội dung quảng cáo chưa ổn. Cùng một nội dung, quảng cáo trên truyền hình thì được mà quảng cáo ở ngoài trời lại không cho”.

Ông Nguyễn Hải Trường, đại diện Sở Tư pháp TPHCM nêu vấn đề: “Có giấy phép quảng cáo bị phạt nặng hơn không có giấy phép. Người có giấy phép quảng cáo trong diện tích 15m², nếu vượt quá diện tích thì mỗi mét vuông vi phạm sẽ bị phạt 2 triệu đồng. Trong khi đó, nếu không có giấy phép, bị phạt chung 20 triệu đồng. Từ đó xuất hiện tình trạng, đơn vị không phép “vô tư” quảng cáo trên 100m², bởi đằng nào cũng chỉ bị phạt 20 triệu đồng!”.

Quảng cáo ngoài trời phải đảm bảo yêu cầu thẩm mỹ và phù hợp với cảnh quan đô thị. Ảnh: THÁI BẰNG

Quảng cáo ngoài trời phải đảm bảo yêu cầu thẩm mỹ và phù hợp với cảnh quan đô thị. Ảnh: THÁI BẰNG

Ông Nguyễn Chí Kiên, đại diện Công ty TNHH DV Quảng cáo C.M.N., than phiền: “Pháp lệnh quảng cáo trước đây và dự thảo Luật Quảng cáo sau này vẫn còn chung chung, như quảng cáo ngoài trời cũng đã có đến hơn 100 hình thức khác nhau”. Bà Xuân Thu cũng cho rằng, nhiều điều trong dự thảo luật quá chung chung, như điều 9 về quảng cáo rao vặt mơ hồ, khó áp dụng vào thực tế.

  • Bất hợp lý trong quản lý, thẩm định?

Đây là vấn đề gây nhiều bức xúc nhất cho các đại biểu tham dự góp ý dự án Luật Quảng cáo. Ông Nguyễn Chí Kiên bức xúc: “Là người làm quảng cáo, tôi thấy nội dung nhiều quảng cáo gây khó chịu cho người dân. Thế nhưng, để xử phạt, ngăn chặn hay định hướng các nội dung quảng cáo, lại chưa có một đơn vị nào thẩm định. Điều này dễ dẫn đến tranh cãi không đáng có về nội dung quảng cáo. Ví như chuyện bình đẳng giới, bên quảng cáo nói là tốt, cơ quan quản lý nói vậy là sai, rất khó để đưa ra kết luận nếu thiếu một cơ quan thẩm định uy tín”.

Ngoài ra, cần có sự thống nhất về quản lý quảng cáo, từ hình thức đến nội dung. Như hiện nay, quảng cáo bên cạnh pháp lệnh lại có thêm các quy định ở các luật chuyên ngành như Luật Thương mại, Luật Dược, Luật Xuất bản… Rồi quản lý quảng cáo ngoài trời là của ngành văn hóa – thể thao – du lịch trong khi trên báo chí lại do ngành thông tin – truyền thông chịu trách nhiệm.

Về phần mình, đại diện Công ty Quảng cáo Đất Việt đề nghị nên gom các loại hình quảng cáo vào một bộ quản lý chung. Một số ý kiến cho rằng, hiện nay hầu hết các phương tiện quảng cáo (điều 19, dự thảo Luật Quảng cáo) đều do ngành thông tin quản lý, định hướng và kiểm soát nội dung nhưng ngành văn hóa lại soạn thảo và thay mặt Chính phủ làm tờ trình Quốc hội về dự án Luật Quảng cáo.

Theo đó, mục 2 điều 6 nêu: “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo”. Nếu nhiệm vụ này giao cho Bộ Thông tin – Truyền thông có lẽ phù hợp với thực tế hơn.

Có một điểm được các đại biểu nhất trí cao là rất cần nghiêm khắc trong việc chế tài đối với những vi phạm trong hoạt động quảng cáo. Ông Nguyễn Hải Trường đề nghị mức xử phạt phải dựa trên chính hợp đồng quảng cáo. Hợp đồng trị giá 1 tỷ đồng thì phạt 1 tỷ đồng và đưa điều này vô luật hoặc văn bản hướng dẫn thi hành luật. Có như vậy mới tạo hiệu quả răn đe, thiết lập trật tự lâu dài.

Kết luận hội thảo, ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, cho biết, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM sẽ đề xuất tại diễn đàn QH thành lập các trung tâm thẩm định để làm trọng tài xử lý vi phạm, chấn chỉnh hệ thống quản lý quảng cáo, phân cấp rõ trách nhiệm, kinh phí…

Ông Lập cho rằng, trong tình hình hiện nay, cần chú ý đến vai trò của Hiệp hội Quảng cáo trong việc làm cầu nối giữa người làm quảng cáo với cơ quan quản lý của nhà nước, góp phần thúc đẩy hoạt động quảng cáo phát triển đúng đắn, mang lại lợi ích cho xã hội. 

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục