Lenin và nước Nga

Không thể hình dung Moskva nếu thiếu Quảng trường đỏ. Cũng ngẫu nhiên, chuyến đi của chúng tôi đến thủ đô nước Nga lại rơi đúng vào tháng 10. Năm nay, không chỉ nước Nga mà toàn thế giới kỷ niệm 100 năm cuộc Cách mạng tháng 10 vào thế kỷ trước đã làm rung chuyển thế giới. 
Và lãnh tụ của cuộc cách mạng này - V.I. Lenin, hiện vẫn còn hiện hữu trên Quảng trường đỏ trong sự thành kính của dòng người thăm viếng.
Lenin và nước Nga ảnh 1 Các nhân vật nổi tiếng được chôn cất dưới chân tường điện Kremlin
1. Moskva chớm thu, hay chính xác hơn là bước vào “mùa hè rớt” như câu thơ rất hay của Olga Bergon. Thời tiết khi hửng nắng, lúc xám xịt, nhưng vẫn có khá đông người đủ mọi quốc tịch, đủ màu da đứng xếp hàng nhẫn nại chờ đến lượt mình vào lăng viếng lãnh tụ kính yêu của giai cấp vô sản. Tại đây, mọi biện pháp an ninh nghiêm ngặt nhất đều được áp dụng, chẳng khác lúc bạn nhập cảnh vào nước Nga, như có máy dò kim loại, có cảnh sát lục soát túi xách và cả khuyển cảnh. Rồi chúng tôi cũng vào bên trong qua đường ngầm dài với ánh sáng mờ đục và tiếng nhắc khẽ “cẩn thận bậc thang” của mấy chàng lính trẻ măng người của Bộ An ninh nội địa Nga. Cũng khá bỡ ngỡ khi chúng tôi được phép lại gần - khác xa so với hình dung ban đầu - để mục kích Người nằm trong quan tài thủy tinh với bộ đồ veston đen, cà vạt đen và dường như đang ngủ say. Như cách đây 93 năm.
Thật may là lăng mới mở cửa trở lại sau 2 tháng trùng tu định kỳ. Theo như một người bạn Nga quen biết, để chăm sóc di hài Người, chính quyền đã cho thành lập một viện nghiên cứu khoa học quy tụ khoảng 200 chuyên gia hàng đầu “là những người giỏi nhất thế giới trong lãnh vực ướp xác”.
Và quả thật có những phát minh hàng đầu trong “phòng thí nghiệm Lenin” như khi mổ tử thi phát hiện một phần hệ thống tĩnh mạch đã bị thoái hóa, các nhà hóa sinh đã  buộc phải chích thuốc từ bên ngoài rồi sau đó nhúng thân thể vào dung dịch đông lạnh và cuốn vào bộ đồ cao su 2 lớp, trước khi mặc bên ngoài bộ veston. Với cách làm này, cứ 2 năm một lần, các nhà khoa học đều phải “tắm” cho Người trong một dung dịch lỏng đặc biệt. Lần gần đây nhất là vào năm 2015. Kết quả là thi hài Lenin được bảo quản tuyệt hảo, có cảm giác như Người khẽ mỉm cười và thì thầm Làm gì? (tên một cuốn sách của Lenin định hướng cho việc thiết lập chính quyền của giai cấp công nông) cho tương lai. Rời Lăng Lenin trong nắng nhẹ, người bạn đi cùng - anh Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc - Tổng biên tập NXB Trẻ, xúc động thổ lộ đã xong ước nguyện đời người “và có thể về Việt Nam được rồi”.
Đối với người Việt như anh Nhựt, Lenin có một sức hút đặc biệt cả về nhân cách sống và những ý tưởng tiến bộ vượt thời gian. Nhưng còn người Nga, họ nghĩ sao về Lenin sau từng ấy năm thăng trầm của lịch sử? Điều dễ nhận thấy là Lenin vẫn đứng sừng sững ở mỗi góc phố, mỗi nhà ga xe lửa, trong mỗi công viên rợp bóng cây xanh và kể cả ở bên những dãy ghế gỗ cũ kỹ nằm giữa những ngôi nhà 5 tầng xây từ thời cố Tổng bí thư Khrushop. Đấy là chưa kể những con đường từ xa xưa mang tên Lenin thì giờ vẫn giữ nguyên tên gọi, không thay tên, đổi họ, vì người Nga quan niệm “bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ đáp trả bằng đại bác” .

2. Tại Hội chợ Sách quốc tế Moskva lần thứ 30, Ban tổ chức dành riêng cho Lenin và cuộc cách mạng XHCN tháng 10 vĩ đại một gian trưng bày khá hoành tráng về báo chí in ra trong những ngày tháng 10-1917 lịch sử. Khá thú vị vì một thứ tiếng Nga cổ có dấu cứng đằng sau, một hướng dẫn viên khoảng 60 tuổi đã nói: “Quý ông, quý bà, xin chào mừng tất cả. Hôm nay chúng ta sẽ nói về cội nguồn cách mạng Nga. Từ thời Công xã Paris, chưa có một cuộc cách mạng nào trao cho nhân dân quyền lực thực sự, và chỉ có Lenin và các Xô Viết do Người lập ra là làm được việc này…”.
Người đàn ông này bận bộ đồ đen nghiêm túc, tóc lơ thơ buộc chặt phía sau, có bộ râu không quá rậm và đeo cà vạt đơn sơ. Ông ta có cặp mắt như đang cười dõi theo chúng tôi - những người Việt duy nhất, qua hành lang dài hơi tối, đằng sau rực sáng pho tượng Lenin bằng thạch cao trắng. Tất nhiên về Lenin và cuộc cách mạng tháng 10 đã có hằng hà vô số các cuốn sách và bài báo viết, nhưng dẫu có những tư liệu mới nhất, in bìa cứng được trưng bày, chúng tôi và chắc là cả người đàn ông kia vẫn thích nhất cuốn 10 ngày rung chuyển thế giới của Johu Reed, một phóng viên trẻ người Mỹ viết về Petrograd những ngày tháng 10-1917. Quý là bởi sự cảm nhận tinh tế dù bản thân người viết… không biết tiếng Nga. Về sau Lenin thích đến nỗi kêu gọi phải in ra hàng triệu bản bằng đủ các thứ tiếng để các dân tộc bị áp bức hiểu hơn về cuộc cách mạng do ông khởi xướng.
Johu Reed mất năm 1920 và là một trong hai người Mỹ duy nhất được chôn ở chân tường điện Kremlin, thể hiện sự kính trọng của người dân Nga với những gì được coi là thể hiện chân thực, sống động cuộc cách mạng làm thay đổi trật tự thế giới. Thời gian qua đi, thời gian không trở lại. Dưới chân tường điện Kremlin, nước Nga của Putin vẫn tiếp tục gìn giữ thi hài người cha - sáng lập trong cõi riêng linh thiêng. Ông Putin đã có những phát biểu khá cứng rắn liên quan đến cuộc Cách mạng tháng 10, rằng sự tan rã của Liên Xô là “thảm họa địa - chính trị lớn nhất thế kỷ 20” và theo ông “ai không tiếc nuối về sự tan rã của Liên Xô, người đó chắc hẳn không có trái tim”. Trước khi đến Moskva, tôi có hỏi một người Nga quen biết về chuyện ai sẽ thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 2018, người đó cười nói cả tôi và anh đều biết “chính là tổng thống hiện tại. Nước Nga không thể tồn tại nếu không có một quốc gia và một lãnh đạo mạnh mẽ”. 
Và đúng vậy. Khi đứng ở cột mốc số không của nước Nga trên Quảng trường đỏ, tôi mới hiểu sự phức tạp thế nào khi trị vì một đất nước có kích thước lớn bằng cả một châu lục, bao gồm đến 85 thực thể là các nước và khu vực tự trị, với 160 dân tộc nói bằng hàng trăm ngôn ngữ, có cả thiên chúa giáo, phật giáo, hồi giáo, Ấn độ giáo. Chỉ có một lãnh đạo mạnh mẽ, kiên quyết mới dung hòa được lợi ích chung và riêng vì sự phát triển đi lên của liên bang.
Ở mỗi giai đoạn bước ngoặt, vào mỗi lúc khó khăn nhất, ở nước Nga đều xuất hiện những cá nhân xuất chúng có ý chí, có tầm nhìn xa. Lenin và sau này các lãnh tụ khác đều vậy. Còn nhớ năm 1992, khi sang Nga vào thời hỗn loạn của Yeltsin, tôi đã giật mình nghe tiếng rao bán một bộ quân phục đại tá với giá 25 đô. Tiếng rao thống thiết giữa phố Arbat cũ. Không ai có thể tưởng tượng được từng tồn tại một siêu cường như thế! Nhưng thời của Putin đã khác. Phố Arbat cũ, giống với đường sách ở TP Hồ chí Minh cũng vẫn những ngôi nhà cổ vậy, nhưng giờ có một sức sống hoàn toàn mới, có vẻ tự tin hơn giống với các khu phố bán đồ lưu niệm ở Paris hay New York. Đó là sự tự tin vào sức mạnh nội tại của nước Nga và người Nga. Khi bức tường Berlin sụp đổ, đại tá Putin đã ở đó, ở nước Đức xa xôi. Ông đã tận mắt thấy những cảnh tượng nhục nhã trên các đường phố nước Nga. Và ông đã quyết định chọn con đường riêng: tiếp nối truyền thống của một dân tộc từng đánh bại cả Napoleon và Hitler, không để đất nước trôi dạt theo dòng chảy của các xu hướng “dân chủ” ngoại lai.
Ban đầu có cảm giác nước Nga sẽ chết chìm trong giá lạnh của sự cô đơn. Nhưng không, giống như Lenin năm 1917, Putin đã tiến hành cuộc chiến khôi phục vị thế của một siêu cường. Ông đã trực tiếp bổ nhiệm các thống đốc, bắt các oligarkh (đại gia mới nổi nhờ thâu tóm tài sản quốc gia trong quá trình cổ phần hóa đầy tai tiếng) phải tránh xa chính trị, cấm các hoạt động ngầm vì “lợi ích nhóm”… và về đối ngoại, nước Nga có thể tự hào ngẩng cao đầu với vị trí người cầm trịch tại Trung Đông. Nhưng còn vô vàn khó khăn với sự cô lập của phương Tây, mức tăng trưởng kinh tế không khả quan và mức sống người dân còn thua xa các nước phát triển nhất. Đó là điều không thể chấp nhận với một đất nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người thuộc hàng giàu có nhất thế giới.
Ở một quán cà phê trên đại lộ Tverskaya, tôi có hỏi anh phục vụ sẽ bầu cho ai trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, anh ta đáp: “ Tất nhiên là bầu cho Putin. Vì ông là nhà chính trị mạnh mẽ. Có thể có người không thích, nhưng đó là người chúng tôi cần lúc này. Chúng tôi muốn có sự tự tin và không muốn sự hỗn loạn”.

Tin cùng chuyên mục