Kỷ niệm lần thứ 146 năm ngày sinh của V.I. Lênin (22-4-1870 - 22-4-2016)
Lúc sinh thời, Lênin đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Trước Cách mạng Tháng Mười, Người nói: “Nếu có được một chính đảng mạnh, chúng ta sẽ cải tạo được nước Nga”. Năm 1917, Lênin lại nói: “Chúng ta đã giành được nước Nga từ tay bọn bóc lột đưa về cho nhân dân lao động. Bây giờ cần phải có một chính đảng vững mạnh để quản lý nước Nga”.
Sau Cách mạng tháng Mười, Lênin đã dốc sức tiến hành công tác xây dựng Đảng. Mùa xuân năm 1918, trong cương lĩnh “Về những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô viết” trình bày trước Đại hội Đảng Cộng sản Nga lần thứ VII, người đã xác định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước và sự phát huy tính chủ động sáng tạo của nhân dân Nga trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
V.Lênin trong phòng làm việc ở Kremlin, năm 1918
Đại hội Đảng lần thứ VIII vào giữa tháng 3-1919 đã ra nghị quyết về công tác xây dựng Đảng, kêu gọi cán bộ đảng viên phải nêu cao tính Đảng, tích cực đấu tranh để ngăn ngừa và khắc phục chủ nghĩa quan liêu, tác phong công tác và lối sống xa rời quần chúng.
Tại Đại hội lần thứ X vào mùa xuân năm 1921, Lênin đã đấu tranh quyết liệt chống lại những hoạt động chia rẽ bè phái của các nhóm: “Trốtxky Bukharin”, “Tập trung dân chủ”, “Công nhân đối lập”… Đại hội quyết định nghiêm cấm những hành vi chia rẽ nội bộ, áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất để khai trừ những người cố tình phá hoại sự đoàn kết thống nhất ra khỏi Đảng, kể cả các Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Nga.
Tại Đại hội lần thứ XI vào quý 1-1922, Lênin đã nêu lên nhiệm vụ phải xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị và tư tưởng. Người chỉ rõ: Không thể xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức, nếu không quan tâm tiến hành giáo dục hệ tư tưởng mác-xít và không đấu tranh quyết liệt để chống lại các thế lực thù địch đang gieo rắc nọc độc tư tưởng hệ tư tưởng trong quần chúng. Bài chuyên luận “Ý nghĩa của chủ nghĩa duy vật chiến đấu” của Lênin ấn hành vào tháng 3-1922, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này.
Năm 1923, vì bị bệnh nặng Lênin không thể tham dự Đại hội Đảng lần thứ XII, nhưng Người đã theo dõi sát sao công việc của đại hội. Theo sự chỉ dẫn của Lênin, đại hội đã quyết định tổ chức lại Ban Kiểm tra Công nông và phê phán mạnh mẽ nhóm đối lập Ôxinxki và một số nhóm khác đã âm mưu làm giảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với bộ máy nhà nước và bộ máy kinh tế.
Bốn tháng sau khi Lênin qua đời, Đại hội Đảng lần thứ XIII họp vào hạ tuần tháng 5-1924 đã công bố Thư gửi đại hội của Lênin. Người nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của việc bảo vệ sự đoàn kết nhất trí.
Nhằm đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình để củng cố sự trong sạch vững mạnh của Đảng, Lênin đã nêu lên những nhận xét thẳng thắn về một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Nga và Nhà nước Xô viết như: Xtalin, Trốtxky, Bukharin, Đinôviép, Camênhép… Các nhà sử học gọi Thư gửi đại hội là “Di chúc của Lênin”.
***
86 năm qua, nhờ học tập và quán triệt vận dụng tư tưởng Lênin nên Đảng ta đã đạt được những thành tích to lớn trong công tác xây dựng Đảng. Trong bài “Cách mạng Trung Quốc và Việt Nam” viết ngày 1-7-1961, Bác Hồ viết rõ những bài học kinh nghiệm cách mạng quý giá mà Người đã học tập được trong những tháng năm hoạt động trên đất nước Xô viết là công tác xây dựng Đảng.
Tháng 7-1962, trong “Bài nói chuyện tại hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước”, Bác Hồ đã giải thích cụ thể những vấn đề xây dựng Đảng trong Cương lĩnh của Lênin “về những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô viết”. Người nói: “Chúng ta cần ôn lại những lời căn dặn của Lênin và phải kiên quyết thực hiện lời dạy đó”.
“Ôn lại và kiên quyết thực hiện” những lời dạy quý báu của Lênin, của Bác Hồ về công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ bức xúc của chúng ta hiện nay để triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, “nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng về chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nâng cao chất lượng và tính thực chất của công tác tổ chức cán bộ” - như phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc về tổng kết xây dựng Đảng, ngày 23-3-2016.
TRẦN HỮU PHƯỚC