Liên kết khởi nghiệp để có sản phẩm sáng tạo

“Cộng đồng khởi nghiệp cần có những sản phẩm cụ thể mang sức bật, có khả năng cạnh tranh quy mô toàn cầu”, PGS-TS Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ KH-CN), đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo “Khởi nghiệp ứng dụng KH-CN khu vực Tây Nam bộ và TPHCM” do Trung tâm Ứng dụng và dịch vụ KH-CN, thuộc Cục Công tác phía Nam, phối hợp với Trung tâm Phát triển KH-CN trẻ Thành đoàn TPHCM vừa tổ chức tại TPHCM.
 TPHCM luôn sôi động với các hoạt động khởi nghiệp
TPHCM luôn sôi động với các hoạt động khởi nghiệp

Liên kết các trường đại học

PGS-TS Phạm Xuân Đà đánh giá: Xu hướng khởi nghiệp sáng tạo chiếm ưu thế hơn so với hình thức khởi sự kinh doanh, chiếm 59,6% trên tổng số nhu cầu được khảo sát. Khởi nghiệp sáng tạo dựa trên công nghệ mới hoặc tạo ra hình thức kinh doanh mới, từ đó sẽ xây dựng phân khúc thị trường, tạo sự khác biệt và có mức độ tăng trưởng nhanh. Do đó, hỗ trợ hoạt động và liên kết của các tổ chức cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một mảng hỗ trợ không thể thiếu, bên cạnh các chương trình nâng cao năng lực hay thúc đẩy kinh doanh cho DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. 

Liên kết khởi nghiệp ứng dụng KH-CN khu vực Tây Nam bộ và TPHCM đòi hỏi kết hợp từ nhiều phía. “Vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp rất lớn vì đây là nơi cung cấp nhân lực, giải pháp công nghệ; cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm… mở ra nhiều cơ hội cho cộng đồng khởi nghiệp tiếp cận. Tuy nhiên, hiện số lượng sinh viên các trường đại học có thiên hướng khởi nghiệp chỉ chiếm từ 2% - 3%, còn số sinh viên khởi nghiệp thực sự ít hơn rất nhiều”, ông Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM, nhận xét. Còn theo bà Nguyễn Phú Hòa, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ (Trường Đại học Nông lâm TPHCM), để hỗ trợ sinh viên và doanh nghiệp khởi nghiệp cần có kinh phí hỗ trợ các thử nghiệm sản phẩm mới, chính sách ưu đãi chi phí xét nghiệm các yếu tố liên quan đến chất lượng sản phẩm, chiết khấu khi đưa sản phẩm vào siêu thị, cửa hàng…

Các đại biểu tham dự hội thảo có chung nhận định: Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực phía Nam nói chung và TPHCM nói riêng đang có nhiều khởi sắc và phát triển. Nếu các trường đại học huy động được lực lượng lớn sinh viên, cựu sinh viên, giảng viên tham gia phong trào khởi nghiệp thì sẽ tạo được một hệ sinh thái khởi nghiệp rất tốt. Vì vậy, cần khuyến khích đội ngũ này tham gia khởi nghiệp nhiều hơn, cũng như có những bước chọn lọc các ý tưởng, dự án có tính khả thi cao để hỗ trợ đưa vào thực tiễn. 

Cần tạo sức bật


Thời gian qua, Chính phủ đã có những quan tâm và xây dựng chính sách cụ thể để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp. Cụ thể là Đề án 844 (hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia) hay đề án 1665 (hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp)… TPHCM cũng có những hoạt động khởi nghiệp, ra đời các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ đầu tư, các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Những điều đó góp phần thúc đẩy, tạo nên không khí khởi nghiệp trên khắp đất nước, đặc biệt là tại TPHCM. Tuy nhiên, vẫn phải cần sức bật mạnh mẽ hơn…
Theo ông Huỳnh Kim Tước, CEO Saigon Innovation Hub (Sở KH-CN TPHCM), các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, hoạt động khởi nghiệp diễn ra rầm rộ nhưng cộng đồng khởi nghiệp đang thiếu sự dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn. Doanh nghiệp lớn tham gia vào cộng đồng khởi nghiệp nhằm tạo ra động lực thúc đẩy khởi nghiệp. Cụ thể như tại Hàn Quốc, tập đoàn Hyundai đã đặt hàng những startup làm sản phẩm về điện gia dụng ứng dụng công nghệ nano. Hay tập đoàn Bosch (Đức) đưa ra những “đề bài” sản xuất sản phẩm điện gia dụng thông minh. “Các đặt hàng này sẽ đưa về các vườn ươm và cộng đồng khởi nghiệp hội ý, đưa ra ý tưởng. Doanh nghiệp lớn đã hiểu rõ về thị trường, có khả năng nắm bắt nhu cầu thị trường nên những sản phẩm sáng tạo sẽ dễ được thị trường tiếp cận hơn”, ông Huỳnh Kim Tước cho biết thêm. 

Cũng có ý kiến cho rằng, đã có nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp nhưng việc triển khai còn chậm và chưa đến được với nhiều startup, cũng chưa có cơ chế ưu đãi về đầu tư và thoái vốn cho các quỹ đầu tư hoặc nhà đầu tư, chưa có các chương trình thương mại hóa hiệu quả… nên cần cải thiện chính sách và môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, hỗ trợ startup tiếp cận thị trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo về tinh thần doanh nhân, xây dựng văn hóa và tư duy khởi nghiệp… Hay nói cách khác, cần có cơ quan chuyên trách chứ không thể doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhưng các thủ tục và quy định vẫn phải theo như các loại hình doanh nghiệp khác. 

PGS-TS Phạm Xuân Đà nhận định, tính gắn kết giữa nhà khoa học và doanh nghiệp, thương mại hóa sản phẩm còn nhiều hạn chế. Nhìn ra quốc tế, tại một số quốc gia như Phần Lan, doanh nghiệp đưa ra những vấn đề cần giải quyết và họ “đặt hàng” lại cho nhà khoa học và tổ chức các cuộc thi. Chính từ yêu cầu của thị trường, các nhà khoa học đã tạo ra nhiều sản phẩm giàu tính ứng dụng và doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời từ đó. Ông Phạm Xuân Đà nhấn mạnh, đã đến lúc cần phải có những sản phẩm sáng tạo cụ thể. 

Khảo sát về nhu cầu khởi nghiệp được thực hiện ở khu vực Tây Nam bộ và TPHCM cho thấy, tổng cộng có 104 nhu cầu từ 78 cá nhân (chiếm 75%) và 26 tổ chức (chiếm 25%). Các đối tượng khởi nghiệp được khảo sát bao gồm sinh viên (chiếm 19,4%), cá nhân kinh doanh tự do (chiếm 43,9%), doanh nghiệp khởi nghiệp chiếm 27,6% và một số ít doanh nghiệp tái khởi nghiệp chiếm 9,2%.

Tin cùng chuyên mục