Liên quan các vụ sai phạm trong đấu thầu trang thiết bị y tế: Không thể “vừa đá bóng, vừa thổi còi”!

Liên quan tới các vụ sai phạm trong đấu thầu và mua sắm trang thiết bị y tế gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng tới người bệnh và khiến nhiều cán bộ, lãnh đạo ngành y tế vướng vòng lao lý, phóng viên Báo SGGP đã ghi nhận những ý kiến đóng góp, chia sẻ xung quanh vấn đề bức xúc này.
Công khai giá trang thiết bị y tế là bước đi làm lành mạnh hóa thị trường
Công khai giá trang thiết bị y tế là bước đi làm lành mạnh hóa thị trường

PGS-TS-BS NGUYỄN LÂN HIẾU, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội:

Cần cơ chế minh bạch về mua sắm trang thiết bị, thuốc men

Một lãnh đạo bị khiển trách, cảnh cáo, thậm chí vướng vào vòng lao lý, khiến chúng ta hết sức đau lòng. Một giám đốc bệnh viện rất cần chuyên môn, tuy nhiên không chắc ông ấy đã nắm vững nguyên tắc quản lý, các quy định chồng chéo hiện nay. Do vậy, rất cần các cơ chế rõ ràng về mua sắm trang thiết bị, thuốc men. Tốt nhất là nên tách rời chuyên môn. 

Vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương đã quyết định bổ nhiệm tôi làm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức điều trị bệnh nhân Covid-19; đồng thời giao một vị giám đốc khác điều hành, chuyên lo trang thiết bị đầu tư. Với mô hình này, bệnh viện hoạt động trơn tru, hiệu quả dù thành lập trong hoàn cảnh cấp bách. Đây là ví dụ cho thấy những bất cập trong hệ thống cần điều chỉnh càng sớm càng tốt, nếu không muốn hậu quả lớn hơn tiếp tục xảy ra. 

Luật sư TRƯƠNG ANH TÚ, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:

Rà soát lại quy định liên quan đến đấu thầu

Những vụ án xảy ra như ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội hay Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM) không chỉ khiến giới y khoa lo lắng mà còn khiến người dân thực sự hoang mang và bất bình. Đối với ngành y, nguyên nhân để xảy ra tình trạng nâng khống giá thiết bị y tế là do chúng ta phân cấp phân quyền cho các cơ sở y tế để họ chủ động trong việc mua sắm thiết bị cũng như thuốc, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm…; vô hình trung đã giao cho họ cái quyền “vừa đá bóng vừa thổi còi”, dễ xảy ra tiêu cực. Ngay cả việc đấu thầu rộng rãi còn xảy ra tình trạng “quân xanh, quân đỏ” thao túng giá, thì đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu chính là cơ hội để một số lãnh đạo bệnh viện không giữ được mình trước quyền lợi lớn, trở nên tự tung tự tác.

Ngành y tế cần rà soát lại quy định của pháp luật liên quan đến cơ chế đấu thầu thuốc, thiết bị y tế để tránh trường hợp các cơ sở y tế “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Việc vừa khám chữa bệnh vừa mua vật tư y tế, thuốc men là điều không bình thường. Bên cạnh đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, thanh tra cần tăng cường kiểm tra, xử lý những vi phạm pháp luật trong ngành y tế.

Luật sư PHẠM HOÀI NAM, Đoàn Luật sư TPHCM:

Nghiên cứu, đánh giá hạn chế mô hình tổ chức quản lý bệnh viện

Thời gian gần đây, một số cán bộ quản lý ngành y tế các cấp vi phạm pháp luật, bị khởi tố, truy tố hình sự về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 222 Bộ luật Hình sự. Đây là điều vô cùng đáng tiếc, nhưng mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật nên khi vi phạm thì mọi người đều phải chịu trách nhiệm theo quy định. 

Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước cần có những nghiên cứu, đánh giá về các hạn chế của mô hình tổ chức quản lý bệnh viện; đồng thời xem xét, vận dụng, điều chỉnh các mô hình tổ chức bệnh viện ở nước ngoài để thay đổi cơ chế tổ chức, quản lý hiện tại theo hướng cho phép tách biệt quyền hạn, nhiệm vụ, trách nhiệm của vị trí quản lý chuyên môn với các vị trí quản trị khác.

Từ đó các bác sĩ có thể tập trung toàn lực cho hoạt động chuyên môn của mình cũng như để nâng cao hiệu quả quản trị bệnh viện. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể kể đến là các quy định hiện hành về quy trình, điều kiện bổ nhiệm giám đốc bệnh viện bắt buộc phải là bác sĩ, còn những người được đào tạo chuyên sâu về quản trị lại không thể trở thành giám đốc bệnh viện công. Do đó, các cơ quan chức năng có thể xem xét đến phương án cho phép bệnh viện được thuê người giỏi về quản trị vào vị trí giám đốc, tách bạch quyền hạn với người chịu trách nhiệm cao nhất về chuyên môn. 

Để thực hiện điều này thì cần phải có sự thay đổi đồng bộ các quy định pháp luật liên quan như quy định về mô hình tổ chức bệnh viện, quy định về điều kiện, quy trình bổ nhiệm, tuyển dụng các chức vụ quản lý… Ngoài ra, có thể tạo ra các hành lang pháp lý để bệnh viện có bộ phận chuyên môn về pháp luật tư vấn cho vị trí quản lý nhằm giảm thiểu rủi ro đối với các vị trí này cũng như toàn bệnh viện.

Trả lời các kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Bộ Y tế thừa nhận, thời gian qua có hiện tượng một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng tình hình để đầu cơ, găm hàng, tăng giá. Để kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã và đang phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương để tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bộ Y tế đồng tình, nhất trí việc xử lý nghiêm, kịp thời các cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh, lợi dụng chính sách phòng chống dịch của Chính phủ để thỏa hiệp với doanh nghiệp nâng khống giá trị thiết bị y tế nhằm trục lợi trái quy định. Để tránh tình trạng đẩy giá lên cao, Bộ Y tế đang xây dựng phương án quản lý giá trang thiết bị y tế nhằm đẩy mạnh việc công khai, minh bạch trong đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế.

Cần sửa đổi Luật Đấu thầu

Một số chuyên gia kinh tế và cán bộ y tế cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp thì chỉ định thầu là hình thức đấu thầu cần thiết trong những hoàn cảnh cấp thiết; nhưng để điều luật này không bị các đối tượng lợi dụng thì cần phải sửa đổi, bổ sung cho chặt chẽ hơn. Theo đó, cần cân nhắc những nội dung bất cập trong điều khoản phụ đi kèm được quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu 2013. Việc sửa đổi điều luật này theo hướng không quá chặt chẽ nhưng không quá thoáng đến mức “bỏ trắng trận địa” như quy định tại khoản 2 Điều 22. 

Bên cạnh đó, cần sửa đổi Thông tư 14 của Bộ Y tế để xử lý các bất cập trong đấu thầu trang thiết bị y tế. Theo Thông tư 14, đơn vị phải báo cáo kết quả trúng thầu các gói thầu mua sắm thiết bị y tế về Bộ Y tế. Thông tin này được đăng tải công khai trên trang web chính thức, là cơ sở cho đơn vị tham khảo làm giá kế hoạch thầu. Nhưng đến nay, trên trang đăng tải và tra cứu kết quả lựa chọn nhà thầu, giá trang thiết bị y tế của Cổng thông tin Bộ Y tế chỉ có một số trang thiết bị lớn, chưa phân nhóm theo Thông tư 14, cấu hình kỹ thuật chưa đầy đủ, chưa thống nhất danh mục chung…, vì vậy các đơn vị rất khó lập giá kế hoạch. Hơn nữa, thuốc men, trang thiết bị y tế là loại hàng hóa đặc thù, nên việc mua sắm tại các cơ sở y tế cần tăng cường vai trò quản lý và trách nhiệm của bản thân đơn vị cũng như các cơ quan chức năng liên quan.

Tin cùng chuyên mục