“Liên thông” ở quận 7

“Liên thông” ở quận 7

Không hài lòng với kết quả đạt được sau thời gian thực hiện mô hình “một cửa, một cửa liên thông”, gần đây, Q7 (TPHCM) mạnh dạn mở rộng phạm vi liên thông đối với 65 loại thủ tục hành chính, trong đó có các lĩnh vực “gai góc” như nhà đất, xây dựng.

Mô hình điểm

Đã 15 giờ, phòng tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của UBND Q7 vẫn đông nghẹt người. Ngồi chờ chưa đầy 15 phút, anh N.V. Nguyên (Ngân hàng Liên Việt, đường Bình Thới Q11) vội vã gọi điện về cho “sếp” thông báo tình hình: “Dạ đăng bộ xong rồi, đúng 2 ngày chú ạ!”.

Người dân mua hồ sơ và được hướng dẫn làm thủ tục tại UBND quận 7 TPHCM. Ảnh: N.P.

Người dân mua hồ sơ và được hướng dẫn làm thủ tục tại UBND quận 7 TPHCM. Ảnh: N.P.

Ông Trần Phú Long, ngụ 487/4 khu phố 1, đường Huỳnh Tấn Phát P.Tân Thuận Đông, gật gù: “Tụi nó được lắm, hôm bữa tôi lên đây nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở, giờ lên lại lần thứ hai là có giấy chứng nhận. Nhà tui ở đó trước năm 1993, nên tụi nó hướng dẫn làm thủ tục miễn tiền thuế nhà đất luôn”. “Tụi nó” là cách gọi như con cháu trong nhà của người dân dành cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ ở đây.

Chị Nguyễn Đào Trúc Diễm, một người dân của P.Tân Kiểng, góp thêm: “Hồi trước, mỗi lần người nhà tôi đi làm hồ sơ nhà đất thấy mà mệt! Ôm hồ sơ chạy từ phòng địa chính sang phòng tài nguyên, đến phòng quản lý đô thị rồi ngành thuế, điểm thu lệ phí... có khi mất hàng chục ngày. Giờ thì… khỏe hơn nhiều”. Ngày 12-6 , chị nộp hồ sơ chuyển nhượng đất ở đây, trong biên nhận ghi ngày 18 trả. “Mấy chú nhân viên ở đây nhiệt tình lắm, ai không hiểu gì thì cứ hỏi, mấy chú trả lời nhã nhặn, chứ không gắt gỏng. Cán bộ nào cũng như vậy, dân được nhờ!” - chị Diễm bộc bạch.

Quy trình thực hiện một cửa liên thông tại UBND Q7 được xác lập rất rõ trong đề án cụ thể (dày 151 trang, biên soạn thành sách và được các phường gửi tận từng tổ dân phố). Phó Chánh Văn phòng UBND quận Lê Văn Thành giải thích, quận thực hiện liên thông với đầu mối tại UBND quận. Người dân đến tổng cộng hai lần để nộp và nhận kết quả. Toàn bộ các quy trình tác nghiệp nội bộ do CBCC trong UBND quận và phường thụ lý. Trong đó bao gồm cả việc xác minh tại UBND phường, liên thông chi cục thuế để tính tiền sử dụng đất và các lệ phí; xác định tình trạng tranh chấp, thời điểm sử dụng đất, xây dựng, yếu tố quy hoạch đối với khu vực đã có quy hoạch chi tiết, tình trạng lấn chiếm đất công, xác minh đã được cấp giấy chứng nhận hay chưa…

Để quy trình vận hành tốt, ngoài sự thống nhất ý chí cao của lãnh đạo, UBND Q7 đầu tư cho công nghệ thông tin và tổ chức tuyển dụng cán bộ có trình độ; quận xây dựng phần mềm liên thông giữa UBND quận với Chi cục Thuế và Kho bạc Nhà nước quận; cải tạo hệ thống mạng LAN, kết nối đường truyền ADSL để nối mạng với toàn bộ 10 phường; hoàn thiện chương trình quản lý thông tin địa lý GIS (GIS là chương trình phần mềm được sử dụng trong việc tìm kiếm và quản lý thửa đất, thay thế cho việc quản lý hồ sơ, giấy tờ hiện hành…).

Quận cũng thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn cho CBCC các phòng tư pháp, tài nguyên, môi trường, quản lý đô thị về nghiệp vụ, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới nhất. Đồng thời giao Phòng Nội vụ thường xuyên kiểm tra công việc của CBCC các ngành liên quan để kịp thời chấn chỉnh, bổ sung.

Khi kiểm tra mô hình và kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại UBND Q7, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Lê Hoài Trung cũng nhìn nhận: “Đây là một trong những địa phương thành công nhất trong việc liên thông giải quyết thủ tục hành chính cho người dân hiện nay trên địa bàn TP”.

Công khai để tránh tiêu cực

Ông Nguyễn Thanh Triều, Phó Chủ tịch UBND Q7 cho biết: “Từ đầu năm 2008 đến nay, UBND quận nhận được 74.141 hồ sơ, đã giải quyết xong 72.659 hồ sơ (tỷ lệ 98%), trong đó lĩnh vực nhà đất đạt 95%. Năm 2008, nhận 208 đơn khiếu nại về giải quyết thủ tục hành chính; 6 tháng đầu năm 2009, chỉ còn 32 đơn, không nhận được đơn thư nào tố cáo CBCC lạm dụng, nhũng nhiễu!”.

Để hoạt động của CBCC vào nếp như hiện nay, UBND quận đã “phòng xa” nhiều trường hợp để tránh tối đa CBCC có điều kiện nảy sinh tiêu cực. Cụ thể thông qua các kênh: niêm yết công khai quy trình thủ tục hành chính tại nơi tiếp nhận và qua trang web www.quan7.hochiminhcity.gov.vn; trang bị hệ thống camera tại nơi tiếp nhận và trả hồ sơ; thông qua các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND và đại biểu Quốc hội; giao ban giữa Bí thư Quận ủy với bí thư các khu phố… để lắng nghe ý kiến người dân phản hồi.

Ông Triều cho biết thêm: “Q7 có đội ngũ cán bộ trẻ năng động và trình độ chuyên môn cao, phó chánh văn phòng phụ trách cải cách hành chính của quận hiện nay là một thạc sĩ luật rất trẻ”.

Mô hình “một cửa, một cửa liên thông” của Q7 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Nội vụ cử đoàn vào tìm hiểu. Điều này khẳng định, cải cách hành chính lấy đối tượng phục vụ là người dân của Q7 đang đi đúng hướng.

HỒNG HIỆP – NAM PHẠM

Tin cùng chuyên mục