Nghiên cứu dịch tễ tại các trường học ở Việt Nam cho thấy, gần 9% học sinh (HS) tiểu học mắc chứng khuyết tật học tập, trong đó có chứng khó đọc; tỷ lệ ở HS trung học cơ sở cũng trên dưới 1%. Xuất phát từ thực tế đó, một nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Sư phạm TPHCM đã nghiên cứu và xây dựng thành công nhóm bài tập giúp trị liệu chứng khó đọc. Đề tài vừa đạt giải nhất Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2012.
Can thiệp vào nhận thức âm vị
Nhóm nghiên cứu gồm sinh viên Đặng Ngọc Hân và Lê Thị Thùy Dương, dưới sự hướng dẫn của PGS-TS Nguyễn Thị Ly Kha, Trưởng khoa Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Theo nhóm nghiên cứu, qua tìm hiểu được biết thế giới đã có nhiều nghiên cứu rất sâu, đề cập đến việc ứng dụng các kiểu bài tập nâng cao nhận thức âm vị cho HS mắc chứng khó đọc.
“Lúc đó, tụi mình nghĩ, tại sao không nghiên cứu và xây dựng những bài tập tương tự cho HS Việt Nam. Nghiên cứu mãi, cuối cùng nhóm lựa chọn phương pháp đa giác quan và phương tiện Flash để xây dựng các trò chơi bổ trợ”, Ngọc Hân nhớ lại.
Nghĩ là làm. Hai bạn trẻ lao vào tìm kiếm các tài liệu liên quan, rồi phân chia công việc. Một bạn xây dựng các bài tập theo hình thức đa giác quan, bạn còn lại mày mò tạo ra các trò chơi “Flash” vui vui để thu hút sự chú ý của trẻ. 6 HS có dấu hiệu mắc chứng khó đọc tại hai trường tiểu học ở quận Tân Phú và quận 5 được lựa chọn để tác động. Thời lượng cho mỗi HS là 3 buổi/tuần, mỗi buổi từ 30 - 45 phút và chủ yếu bằng phương pháp đa giác quan.
“Đây là phương pháp giảng dạy kết hợp đồng thời hình ảnh, âm thanh, xúc giác, vận động để góp phần nâng cao trí nhớ và khả năng học tập. Ví dụ, với âm “b” hoặc “d”…, tụi mình vừa cho các trẻ chọn chữ qua các trò chơi trên máy tính, vừa cho trẻ nặn các âm kể trên bằng đất sắt, vẽ trên bột. Có 11 bài tập khác nhau đã được tụi mình xây dựng nhằm tác động sâu hơn vào bộ nhớ của trẻ”, Thùy Dương giải thích.
Cần được nhân rộng
Sau hơn 2 tháng miệt mài cùng các HS đặc biệt, cuối cùng nhóm nghiên cứu cũng hái được quả ngọt. Kết quả đánh giá cho thấy, những lỗi không đọc được vần, lỗi nhầm lẫn trái-phải, trên-dưới có mức giảm khá rõ so với các HS không được can thiệp trị liệu. Đặc biệt, lỗi sai không đọc được phụ âm ghép được cải thiện khá nhiều.
Cô Huỳnh Thị Thu Thủy, chủ nhiệm lớp 1/4, nơi có 2 HS tham gia các buổi học của nhóm nghiên cứu, nhận xét: “Trước đây, việc dạy đọc cho các em này mất khá nhiều thời gian, dạy trước, quên sau. Sự tiến bộ của các em lần này khiến tôi hết sức bất ngờ. Giờ thì các em đã nhớ hết các vần, âm ghép, tốc độ đọc được nâng lên đáng kể. Có em còn hăng hái xin cô giáo đọc thêm nhiều bài khác trong giờ học nữa”.
PGS-TS Nguyễn Thị Ly Kha cho biết: “Lâu nay, giải pháp thường thấy của giáo viên là tăng cường luyện đọc cho các trẻ. Nhưng đây là giải pháp thiếu sáng suốt. Do đặc điểm ở trẻ mắc chứng khó đọc là khả năng tập trung không cao, thường tỏ ra mệt mỏi khi đọc, khả năng xử lý âm vị và ngữ âm không tốt khi viết chính tả. Cho nên, nếu tăng cường luyện đọc hay tăng cường kết hợp dạy đọc với dạy chính tả càng khiến các trẻ thêm áp lực, lỗi sai khó sửa. Với các bài tập đơn giản của nhóm nghiên cứu, tuy mới dừng lại ở mức thực nghiệm, nhưng kết quả hết sức khả quan, cần được nhân rộng”.
Cũng theo PGS-TS Ly Kha, hoạt động tầm soát và can thiệp sớm cho trẻ mắc chứng khó đọc được quan tâm ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bởi đây là một dạng khiếm khuyết trong học tập không phân biệt giới tính, quốc gia, dân tộc, giàu nghèo. Nếu phát hiện và can thiệp sớm đúng cách sẽ góp phần tích cực đến kết quả giáo dục nhận thức và giáo dục hành vi cho trẻ.
Nói về hướng phát triển của đề tài, Ngọc Hân cho biết những kết quả có được đến nay chỉ mới khởi đầu. Nếu có cơ hội, nhóm mong muốn được mở rộng số lượng HS thực nghiệm. Đồng thời tăng cường cơ sở dữ liệu các bài tập hỗ trợ. Hy vọng có thể xây dựng được công cụ hướng dẫn giáo viên hoặc phụ huynh hỗ trợ HS tập đọc đúng hướng hơn.
| |
TƯỜNG HÂN