Lộ trình đang chệch hướng

Theo báo cáo thường niên vừa được Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) của Liên hợp quốc công bố, quỹ này đã đầu tư 7,96 tỷ USD cho phát triển nông thôn ở các nước đang phát triển trong năm 2022 - mức cao nhất từ trước đến nay. Trong số này, 90% nguồn lực cốt lõi là dành cho các nước thu nhập thấp và dưới mức trung bình, những nước mà IFAD đã cam kết sử dụng mọi nguồn lực để thúc đẩy các dự án phát triển.

Tuy nhiên, IFAD nhận định thách thức vẫn lớn, đồng thời lưu ý rằng “thế giới đã đi chệch hướng mục tiêu chấm dứt đói nghèo vào năm 2030” như đã đặt ra trong Các mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Tại cuộc họp cấp bộ trưởng thuộc Diễn đàn Chính trị cấp cao về phát triển bền vững của Liên hợp quốc, diễn ra từ ngày 17 đến 19-7 tại New York (Mỹ), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, tiến độ thực hiện 50% các mục tiêu SDG hiện ở mức “yếu và không đầy đủ”, hơn 30% số mục tiêu bị đình trệ hoặc đảo ngược.

Năm 2022 là năm đặc biệt thách thức đối với người dân ở khu vực nông thôn trên toàn thế giới, các cộng đồng nông thôn đã chịu ảnh hưởng sâu sắc tác động của cuộc khủng hoảng “3 trong 1” (đại dịch Covid-19, tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của xung đột ở Ukraine) đối với hệ thống sản xuất lương thực, vốn là nguồn sinh kế quan trọng của nông dân và nguồn cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho con người. Cuộc khủng hoảng này đã bào mòn những tiến bộ mong manh và hạn chế lộ trình thực hiện các mục tiêu SDG, khiến nạn đói quay trở lại mức của năm 2005; có 54 nước đối mặt khủng hoảng nợ hoặc đứng trước nguy cơ vỡ nợ; cần đến 300 năm nữa mới đạt được bình đẳng giới và gần 600 triệu người vẫn luẩn quẩn trong diện nghèo cùng cực vào năm 2030.

Trước những thách thức này, ông Antonio Guterres hối thúc cộng đồng quốc tế đặt nền móng xây dựng nỗ lực chung giúp các nỗ lực thực hiện các mục tiêu SDG đi đúng hướng. Ông Antonio Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới, khi tham dự Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về SDG vào tháng 9 tới sẽ đề xuất các cam kết và lộ trình rõ ràng, hướng tới tham vọng giảm đói nghèo và bất bình đẳng lần lượt vào năm 2027 và 2030.

Tin cùng chuyên mục