(SGGPO).- Chiều 22-6, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thống kê (sửa đổi), nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị, Luật cần làm rõ nội dung về hội nhập kinh tế thế giới, hài hòa với các quy chuẩn thống kê được cộng đồng quốc tế công nhận.
Các ý kiến cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những quy định minh bạch về cung cấp thông tin thống kê, ngăn chặn tình trạng cửa quyền, thậm chí trục lợi từ số liệu thống kê.
ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) phát biểu: “Luật cần bổ sung nguyên tắc thông tin thống kê phải có thể so sánh được cả trong nước và nước ngoài. Việc sử dụng thông tin thống kê càng rộng rãi, công khai càng tốt. Có thể một số số liệu thống kê như về quốc phòng, an ninh… thì cần phải bảo mật, nhưng Luật phải nêu rõ loại thông tin nào bảo mật, loại nào không”. ĐB Hà Huy Thông (Thừa Thiên – Huế) đồng tình: “Các nguyên tắc về hoạt động thống kê trong Luật cần bám sát các quy định của Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực này. Phải nêu rõ chế độ cung cấp thông tin thống kê, tránh tình trạng “xin – cho” số liệu”.
Đáng lưu ý, liên quan đến cơ cấu tổ chức cơ quan thống kê (nhằm đảm bảo hoạt động thống kê được tiến hành trung thực, khách quan, chính xác, không chịu bất kỳ “sức ép” nào), các ý kiến ĐBQH vẫn còn khác nhau. ĐB Hà Huy Thông cho biết, ông nhất trí với đa số ý kiến ĐB (thể hiện qua báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận tại tổ ĐBQH), theo đó cơ quan thống kê quốc gia do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghĩa là tương tự như cơ quan kiểm toán. Đây cũng là ý kiến của các ĐB Bùi Thị An (Hà Nội), Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang)… ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) lại có quan điểm khác. Ông nói: “Tôi xin lỗi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng tôi cho rằng cơ quan thống kê quốc gia phải tách ra khỏi Bộ và trực thuộc Chính phủ, để loại trừ khả năng cơ quan này phải chịu áp lực từ Bộ”.
Tuy nhiên, theo Báo cáo tiếp thu, giải trình dự án Luật này (được gửi đến các vị ĐBQH trước phiên thảo luận), Chính phủ cho rằng việc bảo đảm số liệu thống kê độc lập, khách quan trước hết phụ thuộc vào sự độc lập về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan thống kê Trung ương và của người làm công tác thống kê. Dự thảo luật đã quy định nhiều nội dung để nâng cao tính độc lập, khách quan của số liệu thống kê. Mặt khác, mô hình tổ chức thống kê nhà nước hiện nay hoàn toàn phù hợp với thực tế của Việt Nam, đó là mô hình kết hợp giữa tập trung (hệ thống thống kê tập trung) và phân tán (thống kê bộ, ngành). Như vậy, quy định như dự thảo (cơ quan Thống kê Trung ương của nước ta là “Cơ quan Thống kê quốc gia Việt Nam” trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) là phù hợp với các nghị quyết và kết luận của Ban Chấp hành Trung ương.
Bên cạnh đó, các ý kiến tại phiên họp nhấn mạnh yêu cầu minh bạch, công khai phương pháp tính toán, thống kê; chú trọng hơn đến các chỉ tiêu xã hội, trong đó có nghèo đa chiều. ĐB Nguyễn Văn Tiên đưa ra kiến nghị bổ sung quy định về sử dụng số liệu thống kê, trong đó có nguyên tắc xử lý tình trạng cùng một chỉ tiêu nhưng số liệu thống kê từ các nguồn khác nhau có sự sai lệch.
Tán thành ĐB Hà Huy Thông phát biểu trước ông, ĐB Nguyễn Văn Tiên cũng đề nghị xác định rõ tính pháp lý và giá trị sử dụng của số liệu thống kê từ các nguồn quốc tế và các tổ chức ngoài nhà nước. “Đúng là số liệu từ các nguồn này không thể thay thế được thống kê nhà nước, nhưng trong nhiều trường hợp cũng có tính chính xác cao, có giá trị rất tốt, hoàn toàn có thể tham khảo trong quá trình hoạch định chính sách”, ông Tiên nhận xét.
ANH PHƯƠNG