Loạn giá vận chuyển cấp cứu

Ngày 15-8, Báo SGGP đăng thông tin “Bị “chặt chém” tiền xe cứu thương, cha hết tiền mua quan tài cho con”. Ngay sau khi bài viết đăng tải, dư luận tỏ vẻ bức xúc trước thái độ thờ ơ, vô cảm của nhà xe cũng như lên án những bất cập tồn tại xung quanh loại hình vận chuyển này.

Ngày 15-8, Báo SGGP đăng thông tin “Bị “chặt chém” tiền xe cứu thương, cha hết tiền mua quan tài cho con”, phản ánh tình trạng, người cha đưa con trai lên TPHCM cấp cứu nhưng không qua khỏi, không đủ tiền mua quan tài cho con. Ngay sau khi bài viết đăng tải, dư luận tỏ vẻ bức xúc trước thái độ thờ ơ, vô cảm của nhà xe cũng như lên án những bất cập tồn tại xung quanh loại hình vận chuyển này.

Xe bệnh viện không đủ

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại TPHCM có nhiều hãng xe cứu thương nhận vận chuyển người bệnh được cấp phép hoạt động, nhưng không có bảng giá chung quy định phí loại hình dịch vụ này, dẫn đến tình trạng loạn giá, thậm chí người bệnh bị ép, chặt chém giá cước. Trưa 15-8, có mặt tại khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), trong vai người cần chuyển bệnh nhân đến TP Phước An (tỉnh Đắk Lắk), chúng tôi được bảo vệ giới thiệu xe cứu thương của Công ty TNHH MTV Dịch vụ vận chuyển xe cứu thương 115 vùng Tây Nguyên. Qua trao đổi, một nhân viên công ty cho biết, giá hơn 4 triệu đồng bao gồm y tá đi theo, trang bị đầy đủ các thiết bị như bình oxy, máy thở…

Đưa bệnh nhân từ xe cứu thương vào Bệnh viện Chợ Rẫy sáng 15-8-2023. Ảnh: CAO THĂNG

Đưa bệnh nhân từ xe cứu thương vào Bệnh viện Chợ Rẫy sáng 15-8-2023. Ảnh: CAO THĂNG

Tiếp tục liên hệ với Công ty TNHH 115 toàn quốc để đặt xe vận chuyển bệnh nhân từ Trung tâm Y tế huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) đến Bệnh viện Chợ Rẫy để chữa trị, chúng tôi được nhân viên báo giá 1,7 triệu đồng, xe có đầy đủ các trang thiết bị y tế, nếu yêu cầu nhân viên y tế đi theo thì 2,4 triệu đồng.

Cùng chặng đường tương tự, nhân viên Công ty Dịch vụ xe cứu thương TPHCM VN Healthcare (quận Bình Thạnh) báo giá 3,2 triệu đồng, bao gồm nhân viên y tế đi theo chăm sóc và trang bị đầy đủ máy thở, bình oxy. “Bên công ty sẽ có trách nhiệm liên hệ với Trung tâm Y tế huyện Gò Công Đông để nhờ xe cứu thương của huyện vận chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Chợ Rẫy, nhằm tiết kiệm một khoản chi phí cho gia đình. Trường hợp, các xe cứu thương tại huyện không đáp ứng được yêu cầu của gia đình, thì công ty sẽ sắp xếp xe đưa bệnh nhân lên TPHCM chữa trị kịp thời”, nhân viên này cho biết thêm.

Hiện có nhiều tổ chức, cá nhân là mạnh thường quân đã hỗ trợ chuyển bệnh với giá 0 đồng, giúp đỡ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình là “Đội xe cứu thương từ thiện 0 đồng” ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, đội có 2 xe cứu thương, giúp vận chuyển bệnh nhân hoàn toàn miễn phí trong địa bàn huyện Trà Ôn đến các bệnh viện trên địa bàn Vĩnh Long, Cần Thơ.

Ngoài ra, đội “Cứu thương tình nguyện 0 đồng Tây Ninh” cũng đã tích cực hỗ trợ, giúp đỡ vận chuyển bệnh nhân từ TPHCM đến Tây Ninh hoặc ngược lại với giá 0 đồng (số điện thoại liên hệ: 0823.999.115). Ngoài hỗ trợ chuyển bệnh, đội còn giúp đỡ và vận động mạnh thường quân ủng hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn một số chi phí mai táng.

Còn tại Hà Nội, nhiều bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, K… đội xe cứu thương, xe vận chuyển bệnh nhân của bệnh viện chỉ có thể đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu của người bệnh nên phần lớn người bệnh phải sử dụng xe cứu thương bên ngoài. Anh Phạm Huy T. (ở Lương Sơn, Hòa Bình) chia sẻ: “Em tôi bị tai nạn được đưa lên đây cấp cứu nhưng do vết thương rất nặng, khó qua khỏi nên bệnh viện có khuyên đưa em tôi về nhà nhưng bệnh viện lại chưa có xe cấp cứu ngay. Sốt ruột quá, tôi thuê xe cấp cứu ngoài và phải trả gần 3 triệu đồng cho khoảng 50 cây số từ bệnh viện về Lương Sơn”.

Nhiều hãng xe cứu thương chở bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM). Ảnh: BÙI TUẤN

Nhiều hãng xe cứu thương chở bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM). Ảnh: BÙI TUẤN

Trong khi đó, tại Bệnh viện K Tân Triều do bệnh nhân rất đông nên tại đây luôn có hơn 10 xe cứu thương tập trung bên ngoài bệnh viện, sẵn sàng đón người bệnh khi có yêu cầu. Thậm chí còn một số “cò” chào mời, chèo kéo người bệnh ở ngay khuôn viên bệnh viện, khu vực thanh toán viện phí, khiến nhiều người tưởng nhầm tưởng là nhân viên bệnh viện và phải trả những khoản tiền lớn hơn so với quy định.

Quản lý, xử lý mạnh tay

Theo đại diện một số bệnh viện, việc đầu tư xe cấp cứu cần khoản kinh phí lớn. Trong khi đó Bộ Y tế chưa có quy định cụ thể về số lượng xe cấp cứu nên nhiều bệnh viện không tập trung đầu tư mua sắm xe, mà chủ yếu là liên kết với các đơn vị vận chuyển cấp cứu bên ngoài. Hơn nữa, các bộ - ngành chức năng cũng chưa có quy định cụ thể về chi phí vận chuyển cấp cứu người bệnh, hay chở thi thể người bệnh nên xảy ra tình trạng “loạn giá”. Còn theo Hiệp hội Vận tải Việt Nam, sự thiếu thống nhất trong quản lý hoạt động xe cứu thương là nguyên nhân quan trọng dẫn đến lộn xộn trong hoạt động của loại hình dịch vụ này.

Cùng quan điểm, PGS-TS-BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) cho rằng, nạn “chặt chém” người bệnh chủ yếu do một số doanh nghiệp vận chuyển cứu thương “núp bóng” thực hiện. Hiện bệnh viện đã yêu cầu phòng hành chính và tổ bảo vệ tăng cường kiểm soát, phát hiện, báo cáo xử lý xe cứu thương “chặt chém”, gây khó dễ cho bệnh nhân. “Bệnh viện có 10 xe cứu thương, nhưng chủ yếu phục vụ cho cán bộ, một số trường hợp hỗ trợ người bệnh khẩn cấp thì sẽ thu phí nhưng đảm bảo thu phí đúng quy định, không được phép thu hơn”, PGS-TS-BS Lê Đình Thanh cho hay.

Mới đây, Sở Y tế TPHCM cũng đã có văn bản đề nghị các đơn vị chức năng tăng cường công tác hậu kiểm sau cấp phép hoạt động của các dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trên địa bàn TPHCM. Nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm, chấm dứt hoạt động đối với cơ sở không phép.

Vụ “chặt chém” tiền xe cứu thương: Bệnh viện và nhà xe nói gì?

Liên quan đến trường hợp bé trai con anh T.M.G. (35 tuổi, ngụ Cà Mau) nguy kịch phải chuyển lên TPHCM điều trị bị nhà xe “chặt chém” hết tiền mua quan tài cho con, Báo SGGP đăng ngày 15-8, bác sĩ Trương Minh Kiển, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau cho biết, gia đình xin chuyển bé lên Bệnh viện Nhi đồng 1 bằng phương tiện tự túc, chỉ xin giấy chuyển viện theo yêu cầu. Bác sĩ bệnh viện không giới thiệu hay cho số điện thoại người “điều” xe cấp cứu từ TPHCM xuống chở bé lên Bệnh viện Nhi đồng 1.

Từ lâu, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau đã có quy định nghiêm cấm nhân viên liên hệ với dịch vụ xe cấp cứu từ bên ngoài để vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Nếu phát hiện nhân viên vi phạm sẽ có hình thức xử lý theo quy định. Trong quá trình điều trị, có bệnh nhân cần chuyển tuyến thì bệnh viện thực hiện các quy trình chuyển viện theo quy định. Nếu bệnh viện hết xe thì liên hệ với Bệnh viện Đa khoa Cà Mau điều xe. Tùy theo thời điểm (do giá xăng biến động), một ca chuyển viện có đầy đủ nhân viên y tế và trang thiết bị cấp cứu từ Cà Mau lên TPHCM khoảng 6-8 triệu đồng. Trường hợp, khi gia đình bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn thì liên hệ Phòng công tác xã hội của bệnh viện có thể giải quyết chuyển viện miễn phí.

Còn theo ông Lê Hồng Sơn, đại diện Công ty TNHH Vận chuyển 115 Xuyên Việt, đơn vị nhận vận chuyển cấp cứu bệnh nhi trên, cho biết, một chuyến xe cấp cứu từ TPHCM về Cà Mau để đón bệnh nhi đến viện an toàn, với đầy đủ trang thiết bị, điều dưỡng, bác sĩ, máy thở oxy… 16 triệu đồng là chi phí hợp lý, không phải “chặt chém”. “Khi người dân liên hệ dịch vụ, xe phải đi từ TPHCM về khoảng 5-6 giờ. Gia đình bệnh nhi đồng ý với giá công ty đưa ra, có hợp đồng thỏa thuận, công ty không ép người dân”, ông Lê Hồng Sơn giải thích.

Tin cùng chuyên mục