Loay hoay quản lý trung tâm ngoại ngữ, tin học

Tại TPHCM, số lượng trung tâm ngoại ngữ, tin học ngày càng tăng; nội dung, phương pháp giảng dạy được mở rộng. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động giữa các nơi không đồng đều, vẫn còn tình trạng đơn vị hoạt động không phép, vi phạm các quy định về quảng cáo, công khai học phí và tổ chức giáo viên. Vậy đâu là giải pháp cho tình trạng này? 

Xử lý hàng loạt sai phạm

Số liệu thống kê từ Phòng Giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT TPHCM cho thấy, tính đến ngày 31-1-2019, toàn thành phố có 1.250 điểm dạy ngoại ngữ, tin học (NN-TH). So với học kỳ 1 năm học 2017 - 2018, tổng số điểm dạy đã tăng thêm 96 trung tâm và 65 chi nhánh.

Trong đó, số lượng trung tâm phát triển mạnh tại các quận 6, 12, Thủ Đức, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Bình Thạnh và huyện Hóc Môn. Đặc biệt, huyện Cần Giờ - một trong những huyện vùng ven còn nhiều khó khăn của thành phố lần đầu tiên đã thành lập một trung tâm ngoại ngữ. Về tình hình phát triển cơ sở vật chất, so với năm học 2017 - 2018, tổng số phòng học NN-TH đã tăng thêm 698 phòng, ngoài ra còn mở rộng thêm 93 phòng chức năng, 49 thư viện và 40 khu vui chơi cho trẻ.

Đáng nói, trong số này chỉ có 2% cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại 98% trung tâm NN-TH đều do các cá nhân, doanh nghiệp trong nước bỏ vốn đầu tư. Từ thực tế đó, ông Hồ Phú Bạc, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, tình hình khó khăn chung về kinh tế của các doanh nghiệp trong nước sẽ tác động không nhỏ đến tốc độ, chất lượng phát triển của các trung tâm NN-TH.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, đây cũng chính là thước đo, điều kiện để các trung tâm tự đánh giá lại tình hình, nhìn nhận thực lực của mình, để từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, hiệu quả chuyên môn và nhất là năng lực cạnh tranh.

Loay hoay quản lý trung tâm ngoại ngữ, tin học ảnh 1 Tại phòng ghi danh của một trung tâm ngoại ngữ ở TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Cũng theo báo cáo của Sở GD-ĐT, từ tháng 9-2018 đến nay, sở đã tiến hành thanh tra 100% trung tâm NN-TH tại 4 quận gồm 9, 12, Tân Bình và Gò Vấp. Kết quả cho thấy, có 5 cơ sở tổ chức giảng dạy NN không phép đã được yêu cầu chấm dứt hoạt động, gỡ bỏ bảng hiệu và ngừng quảng cáo chiêu sinh với tổng số tiền xử phạt 90 triệu đồng.

Bên cạnh đó, sở đã phối hợp với Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, UBND phường Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú) đình chỉ hoạt động Trung tâm ngoại ngữ Mỹ Nhật do hàng loạt sai phạm trong hoạt động. Sau khi thực hiện giải thể, 30 học viên đã đóng tiền học phí trước đó tại trung tâm này đã được các trung tâm NN-TH khác trên cùng địa bàn quận Tân Phú nhận vào học không thu học phí (thời gian học bằng đúng thời gian người học đã đăng ký tại Trung tâm ngoại ngữ Mỹ Nhật) để giải quyết quyền lợi cho học viên.

Ngoài ra, sở cũng kịp thời chấn chỉnh hàng loạt sai phạm về quản lý hồ sơ giáo viên, tổ chức bảng hiệu, công khai học phí, kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy tại 8 trung tâm, yêu cầu một đơn vị thực hiện lại hồ sơ cấp phép hoạt động giáo dục và 3 trung tâm khác thiết lập hồ sơ bổ sung tài liệu giảng dạy.

Tăng cường giao lưu, học hỏi

Đánh giá về thị trường đào tạo NN-TN, ông Trần Hữu Phúc Tiến, Giám đốc Công ty Hợp điểm, đơn vị chủ quản Trường ngoại ngữ Sài Gòn Hợp điểm (quận 3) bày tỏ, với tổng số 700 trung tâm NN-TH đang hoạt động trên toàn thành phố, đáp ứng nhu cầu học tập của hơn 50.000 học viên, cho thấy sân chơi này đang ngày càng thu hút nhiều đơn vị tham gia, tạo ra thị trường kinh doanh sôi động với mức cạnh tranh không hề nhỏ. Tuy nhiên, điều mà các trung tâm NN-TH hiện nay đang thiếu là sự kết nối về mặt thông tin và cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm.

Vị này dẫn chứng, khi một đơn vị nào đó bị phát hiện sai phạm thì chỉ đơn vị đó biết mình thiếu sót ở điểm nào, những nơi còn lại không biết nên nhiều khả năng mắc lỗi tương tự. “Cái chúng tôi đang thiếu là kinh nghiệm xử lý khiếu nại và phòng chống sai phạm. Vì vậy, nếu thông tin trong lĩnh vực được chia sẻ một cách rộng rãi hơn sẽ giúp các trung tâm có thêm kinh nghiệm điều hành và xử lý công việc, đặc biệt là tránh các lỗi mà đơn vị bạn đã mắc phải”, ông Phúc Tiến chia sẻ.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng hoạt động về chuyên môn, ông Tiến kiến nghị Sở GD-ĐT nghiên cứu, tổ chức thêm các câu lạc bộ, hội đoàn tổ chức sinh hoạt thường xuyên và định kỳ nhằm giúp các đơn vị có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. Nhất là trong tình hình hiện nay, ngoài giảng dạy kiến thức về ngôn ngữ, các trung tâm còn mở rộng dạy văn hóa, lồng ghép các hoạt động ngoại khóa, từ thiện nhằm hình thành và phát triển nhân cách, rèn luyện kỹ năng cho học viên. Do đó, yêu cầu được giao lưu, học hỏi giữa các trung tâm hết sức quan trọng.

Ở góc độ khác, theo ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm NN-TH Thời đại mới (quận 1), đề xuất thành lập hiệp hội các trung tâm NN-TH đã được các đơn vị kiến nghị từ lâu tại nhiều cuộc họp sơ kết và tổng kết năm học nhưng đến nay chưa được cơ quan quản lý quan tâm thực hiện.

Ông kiến nghị, Sở GD-ĐT phải quyết liệt hơn trong công tác tham mưu, chỉ đạo, có phương thức phát huy sức mạnh tổng hợp của hơn 700 đơn vị, giúp hoạt động đào tạo này đi vào nền nếp và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân.

Trước mắt, để chấn chỉnh hoạt động của lĩnh vực này, bà Trần Thị Kim Thanh, Phó trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT nhắc nhở các đơn vị thực hiện nghiêm chỉnh quy định “3 công khai”. Đó là: công khai pháp lý hoạt động (gồm 3 văn bản quan trọng là quyết định thành lập trung tâm, quyết định cấp phép hoạt động giáo dục và quyết định công nhận giám đốc trung tâm), công khai mức thu học phí và công khai thành phần giáo viên giảng dạy (thông tin chi tiết, cụ thể về tên giáo viên, trình độ, bằng cấp, tỷ lệ giáo viên người nước ngoài so với giáo viên Việt Nam…). Tất cả nội dung nói trên cần công khai trên website của đơn vị và tại phòng ghi danh của trung tâm để người học nắm rõ trước khi quyết định ghi danh học.

Tin cùng chuyên mục