Lớp học tình thương của vợ chồng ông giáo Tư ở làng Đại học, cách ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM chừng hơn 100m, hiện là nơi dạy chữ cho khoảng 60 trẻ.
Ở tuổi 76, hàng ngày, ông giáo Tư vẫn đều đặn đứng lớp
Lớp lò gạch
Ông Tư tên thật là Huỳnh Văn Phê và vợ là Huỳnh Thị Lành, cùng quê ở Bến Tre, nay hai vợ chồng đều đã hơn 70 tuổi. Ông Tư tâm sự về những ngày đầu mở lớp: “Hồi ở Bến Tre, bà nhà tôi là giáo viên tiểu học, bởi vậy mà năm 1990 theo tôi lên đây nhận công việc trông coi đất cho một công ty xây dựng, bà ấy cứ trăn trở mãi khi thấy nhiều đứa trẻ không được đến trường, không biết chữ. Sau đó, chúng tôi bàn nhau mua ít ván gỗ về đóng bàn ghế rồi tập hợp tụi nhỏ lại nhà để dạy chữ. Thấm thoắt cũng đã 23 năm rồi, biết bao lứa học trò đã lớn khôn”.
Hồi ấy, khu này chỉ có 5 cái lò gạch, dân cũng thưa, chủ yếu là người tứ xứ tới để làm bốc vác thuê hoặc công nhân lò gạch, ai cũng nghèo lắm. Hàng ngày, cha mẹ đi làm thì tụi nhỏ lang thang đi chơi khắp xóm, chẳng ai quan tâm đến việc cho con học hành. Từ khi lớp học của vợ chồng ông Tư mở ra, người dân gọi nhà vợ chồng ông Tư là lớp lò gạch. Ban đầu lớp chỉ có vài học trò rồi càng ngày càng đông, gian nhà nhỏ trở nên chật chội. Năm 1994, ông Tư gom tiền dành dụm trong nhiều năm mua cây, ván gỗ về dựng thành 2 gian lớp học. Trẻ đến học chữ tại lớp học lò gạch đủ lứa tuổi, từ 3, 4 tuổi, đến những em 15, 16 tuổi, chia thành 2 lớp. Ông bà Tư dạy toán và tiếng Việt theo sách giáo khoa để các bé đọc được con chữ, làm được những phép tính căn bản và cũng có kiến thức để học lên cao nữa nếu có điều kiện. Ông Tư kể: “Bà Tư sẵn có nghề dạy học nên dạy lẹ lắm, tôi vừa dạy tụi nhỏ đọc chữ cái, vừa học cách dạy học của bà ấy. Chỗ nào tôi dạy chưa phù hợp, bà ấy lại chỉ tôi, được cái dạy chữ cho tụi nhỏ cũng không quá khó nên dần dần tôi làm được”.
Sau này khi TPHCM quy hoạch làng Đại học, ông bà Tư vẫn tiếp tục dạy chữ cho học trò nghèo trong khu dân cư nơi đây. Thấy việc làm của ông bà ý nghĩa, nhiều người hảo tâm đã chung tay xây cất 2 phòng học, sắm sửa bàn ghế, bảng đầy đủ để trẻ em có môi trường học tập tốt hơn. Mấy năm nay, do lớp học phát sinh thêm chi phí điện nước, dụng cụ giảng dạy, sửa chữa bàn ghế, trong khi ông bà Tư đã lớn tuổi, không trang trải được, nên ông Tư mới quyết định thu học phí nhưng cũng chỉ với mức mỗi học trò 15.000 đồng. Ông Tư tâm sự: “Thu 15.000 đồng để tượng trưng thôi, phần vì để trang trải chi phí cho lớp học, phần vì để các cháu không bị mặc cảm rằng đi học miễn phí. Thực sự mỗi tháng vài trăm ngàn đồng cũng không đủ trang trải đâu, tôi vẫn phải nhờ một số anh chị có lòng hảo tâm giúp các cháu sách, tập và phụ trả tiền điện, nước”.
23 năm tận tụy “đưa đò”
Mỗi sáng, ông Tư đều dành ít phút điểm danh xem hôm nay trò nào vắng mặt, trò nào chưa làm bài tập về nhà, rồi mới bắt đầu vào học. Ông dạy lớp các cháu nhỏ, bà dạy lớp các cháu lớn hơn. Thỉnh thoảng cũng có sinh viên của các trường đại học tới giúp ông bà dạy học. Ông Tư kể: “Năm ngoái bà ấy bệnh, phải về quê điều trị, khi về bà ấy dặn tôi phải trông nom, động viên tụi nhỏ đi học đều đặn. Mấy hôm rày thấy khỏe hơn, bà ấy đòi lên dạy tiếp, nhưng tôi không cho. Cũng may có các cháu sinh viên ra hỗ trợ, chứ tôi 76 tuổi rồi, chỉ loanh quanh trông nom và đứng lớp khi sinh viên bận học, bận thi không tới dạy được thôi”.
Giờ giải lao, đám học trò vây quanh, đứa đòi thầy kể chuyện, đứa đòi thầy chỉ bài, Nguyễn Thế Dự (sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên) xoay như chong chóng với học trò. Thế Dự tâm sự: “Tụi nhỏ hiếu động lắm, tuy chưa có kỷ luật như học sinh trong trường nhưng các em rất thông minh, tỏ ra ham học. Sinh viên tụi em vừa dạy chữ, vừa dành thời gian kể những tấm gương vượt khó, để các em có động lực noi theo”. Cảm động trước tấm lòng của vợ chồng ông Tư, hàng ngày, cô Nguyễn Thị Hồng Vân (25 tuổi) đều dậy sớm chạy xe từ quận 3 về Thủ Đức để kịp lên lớp lúc 7 giờ sáng dạy học cho các em. Sau 2 giờ đứng lớp, cô lại chạy về công ty ở quận 3 để làm việc. Hỏi về động lực khiến Vân cố gắng như vậy, cô gái trẻ chỉ vào những học trò nhỏ ngồi dưới lớp rồi bảo: “Động lực là đây, chị ạ. Em cứ nghĩ ở thời này mà không biết chữ thì tương lai các em sẽ ra sao. Với lại thương ông Tư nữa, ông già rồi, chân chậm, mắt mờ mà vẫn cố gắng không để lớp đóng cửa, thế là em tham gia dạy”.
Trịnh Hoàng Như Ý (11 tuổi, quê Đồng Tháp) hiện đang học chương trình lớp 4 ở lớp học tình thương này cho biết: “Mẹ con làm móng dạo, ba con chạy xe ôm, hồi đầu con không có tiền đi học. Mấy năm nay con theo học lớp học này, được học chữ vui lắm, sau này con sẽ gắng học đại học để làm cô giáo”. Nói đến học đại học, Nguyễn Thị Anh Thư (10 tuổi, quê ở Châu Đốc, An Giang) cũng tỏ ra vui mừng, khoe: “Ba mẹ đã đồng ý cho con học lên lớp 5 ở Trường Tiểu học Đông Hòa (Bình Dương). Ba còn bảo học giỏi thì ba mẹ ráng cho học đến chừng nào hết học được thì thôi. Con sẽ học để sau này đi làm văn phòng chứ đi bán dạo như ba mẹ cực quá!”.
Ở lớp học tình thương, các em chỉ học chương trình từ lớp 1 đến lớp 4, những học sinh có nhu cầu học lớp 5, ông Tư lại dắt đến liên hệ với Trường Tiểu học Đông Hòa (Bình Dương) để xin cho các cháu theo học. Suốt 23 năm qua, ông bà Tư đã tận tụy đưa hàng ngàn học trò “qua đò”, trong số đó có nhiều em được học lên, trở thành sinh viên rồi đi làm, những lúc rảnh lại ghé về thăm lớp học, thăm ông bà giáo già.
THU HƯỜNG