Lửa ấm ngày đông

Những tháng gần tết, trời bắt đầu trở lạnh. Bất giác tôi thèm được hưởng lại cái hơi ấm từ căn bếp với mấy cái cà ràng và từ đống lửa nhỏ bên góc sân nhà cũ vào những buổi sáng sớm của ngày xưa.

Lửa ấm ngày đông

Cái ngày xưa ấy khi tôi đâu khoảng mươi, mười mấy tuổi. Cứ bốn, năm giờ sáng, xung quanh còn mờ sương, theo thói quen, ngoại tôi đã dậy, lục đục nấu nước, khi thì pha trà, khi thì chế cà phê. Má tôi thì nhóm lửa bắc nồi cơm, nồi cháo, nồi khoai luộc… để lát nữa, lúc sáng rõ, tôi với hai đứa em có cái dằn bụng trước khi đi học.

Tôi là anh lớn, đã ở cái tuổi sai vặt nên lắm lúc được trưng dụng phụ ngoại, phụ má chuyện lửa củi. Không được ngủ nướng như hai đứa em nhưng bù lại hôm nào cũng thấy ấm áp dù có khi là ngày đông tháng giá.

cn4-mh-truyen-21-1-1350.jpg

Những bữa sáng trời lạnh quá, ngoại kêu tôi gom tàu cau, lá dừa, củi tạp gầy một đống lửa nhỏ ở góc sân, cả nhà quây quần xung quanh để sưởi ấm. Khó mà diễn tả hết cảm giác ấm nồng sung sướng khi hơ tay, hơ chân… bên đống lửa trong tiết trời lành lạnh. Đám trẻ tụi tôi nhiều khi nhảy lò cò, cười khoái chí khi hơ hai tay trên đống lửa rồi xoa vào nhau, chà lên bụng, lên lưng …

Đó là cách thức đơn giản để người già và những đứa trẻ ở quê vượt qua cái lạnh của những ngày giáp tết.

***

Ngày trước, nhà làm nông, mỗi buổi đi ruộng, lên rẫy về là má tôi hay nhặt nhạnh đâu đó mớ cành nhánh, tre trúc khô để trưa về chụm bếp nấu cơm canh. Của trời cho mà, tha hồ xài miễn sao siêng thu nhặt. Mấy lần cũng vì cái của trời cho đó mà tôi không ăn roi thì cũng bị chửi muốn tắt bếp.

- Hai, mày chạy ù ra đằng trước, quơ đại mớ củi về nấu cơm.

Đi loanh quanh hàng rào của nhà thấy không còn nhiều mấy thứ có thể làm củi, ngoài đường đi ai đó cũng đã nhặt sạch sẽ rồi, ngó tới ngó lui tiện thể tôi nhảy tót qua mương rút rẹt rẹt mấy cây nẹp tre cùng nhánh chà trúc cắm xiên xiên làm hàng rào vườn nhà ông Tư mắt kiếng. Nhiệm vụ má giao tôi hoàn thành một cách nhanh chóng. Tưởng không ai biết trò ăn cắp vặt của trẻ con đó. Mấy lần sau, ăn quen, đi quơ củi cho má, tôi từ từ rút thưa hẳn cái hàng rào tre nhà ông Tư rồi chuyển qua ôm luôn mấy mớ củi dừa cô con gái ông bỏ công rọc lá, chặt khúc, chẻ nhỏ để trữ xài. Rồi cũng đến lúc trò ma mãnh của tôi bị lộ…

- Nhà mình cũng có sao lại đi lấy của người ta! Má tôi rầy khi ông Tư qua nói chuyện.

Gặp ông Tư là người hiền lành, chỉ nhắc nhẹ với má tôi. Má tôi nói lời xin lỗi ông Tư rồi quay qua bảo tôi không nên vậy vì người ta cực khổ làm cái hàng rào, vất vả lo củi đuốc mà mình đi phá, đi hưởng không không là không hợp lẽ.

Ngoại tôi thì khác. Biết chuyện, ông nổi trận lôi đình, kêu tôi nằm sấp xuống bộ ván nhà trên quất cho mấy roi đau điếng cho chừa cái thói ăn cắp ăn trộm, phá làng phá xóm. Từ nay cấm tiệt, nhà có thì xài, thiếu thì mượn tạm, đối đế quá thì xin chứ không được ăn cắp!

Mà khổ nỗi, chuyện củi đuốc, nhà tôi cũng có thiếu thốn gì cho cam. Trong vườn nhà tôi, cũng có hơn chục cây dừa. Những lúc tàu dừa khô rụng nhiều, nhà tôi cũng xúm nhau rọc lá, chẻ củi dừa để dự trữ cho mấy tháng mùa mưa, trời ẩm ướt.

***

Ở quê tôi, ngoài tàu dừa, thứ cũng khá dễ kiếm nữa để làm củi là tre. Ngoài chuyện gom nhánh xung quanh nhà theo kiểu trẻ con làm theo sức của mình, lâu lâu, tôi theo bác Ba, cậu Hai và mấy anh em trong xóm làm một chuyến lên rẫy đốn tre. Sau cả ngày ròng rã, thành quả là cả một xe bò thá ví về nhà, trên đó chất đầy thân tre gai, tre tàu, kèm một ít mạnh tông, tầm vông chủ yếu chặt khúc, chẻ nhỏ, phơi khô làm củi. Cây nào cứng, suông thì tuyển để dành làm cột, làm kèo, chái nhà… rất chắc. Giữa mấy khuôn mặt rạm nắng, má tôi cứ nhìn săm soi các vết cào xước rướm máu trên người tôi như ngầm hỏi có đau rát lắm không. Ngoại tôi thì nhắc: Lấy chút thuốc đỏ thoa cho nó!

Tuổi thơ tôi trôi qua và tôi lớn lên từng ngày theo các chuyến đi kiếm củi như vậy… Giờ ngồi nhớ lại, tôi lại càng thấu hiểu nỗi lo toan của ngoại, của má, của nhiều gia đình trong xóm, trong làng về chuyện lửa củi, bếp núc. Hầu như không nhà nào bỏ phí thứ gì để duy trì ngọn lửa ấm trong nhà.

Nhà cô Tư trồng bắp thì bẻ trái xong bèn tận dụng thân cây khô để nấu nướng. Nhà cậu Hai trồng khoai mì nhổ lấy củ xong thì cả nhà lại được mấy bữa ngồi đẽo gọt, róc vỏ rồi đem trải thân cây và cả gốc ra giữa sân phơi khô làm củi chụm. Thân và gốc cây xốp, khó phơi thật khô nên y như rằng đun lên bốc khói mù mịt, có khi làm hôi khói cả nồi cơm, trách cá. Vậy mà vẫn ngon, ai ăn qua vẫn nhớ hoài cái mùi là lạ.

Những thứ tằn tiện, chắt mót ấy không ít lần cho ra mấy bữa cơm ngon canh ngọt cho gia đình. Cũng thứ lửa từ các nguồn nhặt nhạnh ấy cho ra mấy mẻ bắp rang, đậu phộng rang, khoai mì khoai lang luộc nóng hôi hổi, thơm lừng, cả nhà nhai nhóp nhép trong những buổi chiều mưa, đông lạnh…

***

Ngoại tôi lên tiên vào một ngày cuối tháng Chạp cách đây gần chục năm.

Chiều tối hôm đó, trời khá lạnh. Cả tháng rồi, chiều nào, tôi cũng khơi cho cháy đượm mớ than hồng đốt bằng mấy cây củi săn (loại cây săn chắc, không phải gỗ tạp, ở trong các khu rừng tự nhiên, biền sông, bờ rạch...) ở đống lửa cạnh giường ngoại nằm.

Khoảng hai tháng trước, ngoại đi ra góc vườn bất ngờ bị té kế bên cây dừa lão. Tiêm chích, bó thuốc… không ăn thua vì tuổi ngoại đã khá cao. Ngoại nằm một chỗ, xoay trở khó khăn, ăn uống kém dần và chỉ thích sưởi ấm mỗi tối. Thỉnh thoảng trong ngày, sau một, hai tiếng thiếp, ngoại bảo má tôi: Bảy, mày pha cho tao ly cà phê coi có lay tỉnh, khỏe ra được phần nào không!

Thay phiên với mấy cậu, mấy dì, tôi thức canh giữ lửa ấm cho ngoại tới hôm ngoại nhẹ nhàng, lẳng lặng ra đi. Đống lửa bên cạnh chỗ ngoại nằm vẫn đượm than, thi thoảng nổ mấy hạt lách tách…

Lúc sinh thời, vốn kỹ tính, ngoại tôi cứ hay nhắc chừng sau một hồi đi lòng vòng quanh sân nhà: Tụi bây nhớ để ý châm cho đầy mấy cự củi. Ngày thường chụm quấy quá gì cũng được. Nhớ lo cho mấy ngày giỗ chạp, tết nhứt…

Giờ hễ gần tới dịp giỗ các cậu, các dì đã mất hay tết nhất trong nhà, tôi lại bồi hồi nhớ lời dặn này như là một mệnh lệnh, một thứ gia phong phải theo...

Nghe lời ngoại dặn, đã thành lệ, nhà tôi quanh năm, suốt tháng bao giờ cũng có cái cự củi ngon lành, chất đầy gỗ săn loại một. Nó trở thành thứ tài sản quý giá của nhà tôi. Củi mà trữ trên cự sẽ được lót 2 cây cau dài để kê cách đất, có tấm tôn, tấm gỗ che chắn cẩn thận, không sợ mối mọt, ẩm mục. Thứ củi này càng ra than hồng càng có sức nóng tốt.

Đối với tôi, niềm an ủi lớn lao là ngoại tôi đã được giữ ấm những ngày cuối đời bằng thứ củi này. Cũng như trong nhiều năm, từ bấy đến giờ, tôi vẫn nhắc mấy đứa em, con cái về chuyện giữ lửa, về những đòn bánh tét xanh mướt màu đọt cau non với gạo nếp dẻo quẹo, nhân đậu xanh mỡ thơm lừng được nấu bằng thứ củi thuộc dạng hàng tuyển này.

Phải có chút tự hào nhà mình giữ truyền thống làm ra những món ngon cúng ông bà, cúng người đã khuất và dâng cúng mấy món ăn truyền thống như đòn bánh tét, khổ qua hầm, thịt hầm… trong mấy ngày tết.

Đó coi như là một sự kết nối với thứ lửa ấm được truyền đời qua nhiều thế hệ.

Tin cùng chuyên mục