Từ cuối tháng 3-2016, UBND TPHCM có văn bản chỉ đạo giải quyết hội nhập cộng đồng với người lang thang xin ăn không có nguyện vọng ở lại trung tâm bảo trợ xã hội sau 3 tháng chăm sóc. Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp cho biết: “Nếu giải quyết theo hướng dẫn trên thì chỉ trong vòng 30 giây Trung tâm Tân Hiệp có thể cho người về hết!”.
Theo quy định, khi ở trung tâm bảo trợ xã hội, người lang thang được học văn hóa, học nghề và giới thiệu việc làm phù hợp. Song song đó, việc xác minh nơi cư trú tiếp tục và sẽ giải quyết hồi gia ngay nếu kết quả xác minh cho thấy người đó có nơi cư trú nhất định. Thời gian nuôi dưỡng tại trung tâm bảo trợ xã hội tối đa không quá 3 tháng. Ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTB-XH TPHCM, cho hay, nhiều trường hợp qua 3 tháng mà trung tâm vẫn không xác minh ra được nơi cư trú nên trung tâm không biết xử lý tình huống này ra sao. Nếu giữ người lại thì căn cứ quy định nào và lấy kinh phí ở đâu để chăm sóc?
Sau khi trao đổi với các sở, ngành và quận, huyện, TP thống nhất và có chỉ đạo nếu 3 tháng mà không xác minh được nơi cư trú thì phải giải quyết hội nhập cộng đồng đối với đối tượng không có nguyện vọng được tiếp tục ở lại trung tâm. “Có 2 nhóm đối tượng: những người cao tuổi, khuyết tật, trẻ em hay những người không nơi cư trú mà có hoàn cảnh khó khăn, có nguyện vọng (viết đơn tự nguyện) ở lại trung tâm thì trung tâm chăm sóc bình thường; còn phần lớn người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng là người trong độ tuổi lao động, diện này không khuyến khích nuôi dưỡng tại trung tâm mà mục đích phải là tạo việc làm, tái hòa nhập cộng đồng” - ông Lê Chu Giang giải thích.
Ông Phạm Đắc Tỉnh, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa, cho biết, hiện trung tâm đang chăm sóc 985 người, trong đó có gần 300 người trong độ tuổi lao động. Trước đây, sau khi xác minh, nếu có nơi cư trú nhất định thì giải quyết hồi gia ngay, còn chưa rõ sẽ ở lại trung tâm. Từ cuối tháng 3-2016, trường hợp chưa xác minh được, ai muốn ở lại phải có đơn tự nguyện, nếu không cũng giải quyết cho về. Ông Phạm Đắc Tỉnh đặt câu hỏi: “Vấn đề là không có nơi cư trú, họ sẽ đi đâu? Ngay cả trung tâm khi quyết định cho về cũng không biết điền thông tin nơi về của họ ở đâu?”. Theo ông Tỉnh, thực chất người lang thang, sau khi giải quyết về cộng đồng, họ cũng tái lang thang. Hiện cũng có hơn 90 người đã được giải quyết hồi gia vẫn lang thang khu vực gần Trung tâm Chánh Phú Hòa, người đi làm cao su, người lang thang xin ăn, kể cả có người đi trộm cắp. Địa phương cũng phản ánh, kêu ca nhiều nhưng theo quy định, trung tâm phải cho về, không thể giữ người ở lại chăm sóc được.
Còn tại Trung tâm Tân Hiệp đang chăm sóc 620 người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng. Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Tân Hiệp nhận xét, nếu giải quyết theo hướng dẫn từ cuối tháng 3-2016 của TP thì chỉ trong vòng 30 giây Trung tâm Tân Hiệp có thể cho người về hết, bởi đa số những người này đã được chăm sóc trên 3 tháng rồi. Với kinh nghiệm của người có gần 20 năm chăm sóc người lang thang, ông Quân nhận định: “Tâm lý người lang thang không ai muốn ở lại trung tâm, trừ trường hợp chân đi không nổi họ mới ở”. Theo ông Quân, TP nên hướng dẫn lại về việc giải quyết hội nhập cộng đồng với người lang thang xin ăn chưa xác minh được nơi cư trú sau 3 tháng.
Trước vòng luẩn quẩn cứ tập trung người lang thang xin ăn, sau 3 tháng lại trả về cộng đồng, rồi tái lang thang, lại tập trung, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM vừa chỉ đạo các trung tâm tạm dừng việc giải quyết hội nhập cộng đồng cho người lang thang chưa xác minh được nơi cư trú sau 3 tháng. Cụ thể, những người không dòng họ thân nhân, không hộ khẩu thì tạm dừng cho về. Còn những người đã xác minh được địa chỉ rõ ràng, sẽ động viên họ hồi gia sớm; họ có làm đơn xin ở lại trung tâm cũng không cho ở. “Tôi chịu trách nhiệm về quyết định này. TPHCM là lòng chảo, nhiều người lang thang xin ăn ở các tỉnh, thành chảy về TP, nên Sở LĐTB-XH TPHCM phải đề nghị UBND TP kiến nghị Trung ương có cơ chế riêng. Chứ không có nơi ở mà cứ cho họ về, rồi họ đi đâu, về đâu?” - ông Lê Minh Tấn kiên quyết. Đồng thời, ông Lê Minh Tấn cũng yêu cầu các trung tâm bảo trợ xã hội phải dạy nghề, tạo việc làm cho người lang thang xin ăn đang trong độ tuổi lao động chứ không phải đưa người vào “ngồi không, ngày 3 bữa trong trung tâm”.
ĐƯỜNG LOAN