Luật Đất đai (sửa đổi): Tạo thuận lợi hơn, công bằng hơn, thị trường hơn trong tiếp cận đất đai

Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua được xã hội đặc biệt quan tâm, cả nền kinh tế đang chờ đợi, vì đây là lĩnh vực quan trọng, tác động đến tất cả các ngành nghề kinh tế khác. Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra) có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP về những chính sách đất đai mới sẽ có tác động đến người dân, doanh nghiệp.

PHÓNG VIÊN: Ông có thể chia sẻ ngắn gọn những điểm mới nổi bật nhất của Luật Đất đai (sửa đổi) lần này?

* Ông PHAN ĐỨC HIẾU: Tôi cho rằng sự kiện Quốc hội bấm nút thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được rất nhiều người dân, cử tri bày tỏ sự vui mừng và họ kỳ vọng đạo luật sẽ phát huy tích cực trong đời sống. Luật có 260 điều, nội dung rất đồ sộ. Xét về những điểm mới một cách cụ thể thì Luật Đất đai (sửa đổi) có hàng trăm điểm mới. Tuy nhiên, nhìn vào bản chất của luật thì có 5 điểm mới nổi bật.

v2a-387.jpg
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Thứ nhất, nhóm chính sách về nâng cao mức độ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, người sử dụng đất. Luật có các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền hợp pháp của người dân, như mở rộng quyền sử dụng đất với đối tượng là công dân Việt Nam, kể cả định cư, sinh sống ở nước ngoài; chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số; quyền và lợi ích của người bị thu hồi đất, thực hiện quy hoạch sử dụng đất; thủ tục hành chính, cấp giấy chứng nhận cho người dân, doanh nghiệp (ví dụ như nhận chuyển nhượng dự án bất động sản, tự động gia hạn đối với đất nông nghiệp…).

Thứ hai, việc tiếp cận đất đai cho đời sống, cho sản xuất kinh doanh, cho cả mục tiêu của Nhà nước xây dựng các cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.

Liên quan đến việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp và người dân, có nhiều quy định ở Điều 79 được thiết kế cho việc thu hồi đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, an ninh quốc phòng; quỹ đất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là với lĩnh vực có tính chất xã hội như: y tế, giáo dục, văn hóa… Các quy định rất cụ thể, chi tiết.

Nhóm thứ ba, rất quan trọng, đó là nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Bởi vì đất đai không chỉ là nơi sinh sống mà còn là một nguồn lực đầu vào, tư liệu cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tránh việc đầu cơ và sử dụng đất lãng phí là một nội dung rất quan trọng.

Luật có quy định đất kết hợp sử dụng đa mục đích, chuyển đổi đất nông nghiệp góp phần tích tụ đất đai cho sản xuất; quyền cho thuê, liên doanh liên kết đối với đơn vị sự nghiệp công lập; nhận chuyển nhượng đất trồng lúa đối với đối tượng không phải là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp; mở rộng trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất…

Thứ tư, vấn đề về tài chính, định giá đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, phí, lệ phí liên quan đến sử dụng đất. Luật có một số chính sách để ổn định tiền thuê đất, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất; quy định về giá đất, tách bạch giá đất và chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất…

Thứ năm, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với đất đai, cắt giảm thủ tục hành chính, hướng tới tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng dữ liệu đất đai để phục vụ cho đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh; cơ chế giải quyết tranh chấp, vai trò trọng tài thương mại; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trong một số trường hợp chưa có giấy về đất.

Có thể nói, đây là năm nhóm nội dung mới nổi bật của Luật Đất đai lần này và chúng ta kỳ vọng các quy định mới sẽ phát huy tác động trên thực tế.

Trong 5 nhóm này, đâu là chính sách mới sẽ tác động lớn nhất đến họ, thưa ông?

* Từ góc độ người dân, doanh nghiệp thì có 2 nhóm vấn đề.

Thứ nhất, liên quan đến nâng cao mức độ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp - 2 chủ thể sử dụng đất. Đối với doanh nghiệp, đất đai là tư liệu sản xuất, là nguồn lực đầu vào. Luật Đất đai (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới khác biệt so với Luật Đất đai hiện hành.

Điều đầu tiên phải nhấn mạnh đến đó là mở rộng quyền của người sử dụng đất đối với đối tượng sử dụng đất là người Việt Nam, công dân Việt Nam, những người định cư ở nước ngoài. Đây là nội dung rất phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, đó là đối xử với công dân Việt Nam không phân biệt nơi ở, nơi cư trú. Chính sách này tôi cho là rất chính đáng. Mặt khác, những quy định như vậy sẽ giúp huy động nguồn lực đầu tư về Việt Nam để phát triển kinh tế - xã hội.

Một điểm mà tôi muốn nhấn mạnh, có rất nhiều cái mới về chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng bào dân tộc thường ở những khu vực, vị trí có tính chất liên quan đến an ninh quốc gia, quốc phòng. Những quy định đó mang đến sự công bằng về chính sách, là chủ trương nhân văn, nhất quán của Đảng, Nhà nước đối với mọi người dân.

Điểm đặc biệt quan trọng mà tôi quan tâm đó là cải cách thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Điều này dự kiến sẽ tác động rất nhiều và đặc biệt là đối với doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai. Ví dụ như, đối với việc nhận chuyển nhượng dự án bất động sản, trước đây, đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hay tổ chức trong nước thì thủ tục rất phức tạp. Khi nhìn vào từng luật thì phải thực hiện tuần tự rất nhiều thủ tục khác nhau, từ thủ tục chuyển nhượng, thu hồi đất, giao lại đất…

Nhưng Luật Đất đai (sửa đổi) lần này thiết kế quy định theo hướng nhìn một cách tổng quát, như vậy sẽ phải cắt giảm thủ tục không cần thiết, tạo thuận lợi, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Thứ hai, liên quan đến việc tiếp cận đất đai, theo tôi, Luật Đất đai (sửa đổi), về mặt bản chất đã thể chế hóa đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, đó là sử dụng các cơ chế thị trường trong việc tiếp cận đất đai. Khi chúng ta sử dụng nhiều hơn cơ chế thị trường sẽ giảm được cơ chế hành chính, giảm được sự không thống nhất giữa người có đất và người muốn tiếp cận đất.

Chúng ta sẽ giảm được rất nhiều chi phí của việc tiếp cận đất đai thông qua các thủ tục hành chính. Đó là nội dung mà tôi kỳ vọng có tác động lớn trong việc thúc đẩy hoạt động kinh tế - xã hội và đặc biệt là cho hoạt động của doanh nghiệp. Chúng ta sử dụng nhiều hơn cơ chế về đấu giá, đấu thầu, cơ chế có đất được chuyển mục đích sử dụng đất, cơ chế để góp vốn, cơ chế hợp tác kinh doanh… là những cơ chế rất thị trường.

Có những quy định mà cá nhân tôi đánh giá cao như vấn đề mở rộng quỹ đất về phía biển. Chúng ta biết, hiện nay, kinh tế biển là một hoạt động có nhiều tiềm năng. Chính vì vậy, luật đã bổ sung quy định về các dự án đầu tư có hoạt động lấn biển, từ đó tạo cơ chế để có thể phát huy lợi thế, phát triển kinh tế

Ông Phan Đức Hiếu

Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành nhằm bảo đảm sự công bằng, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận đất đai đối với doanh nghiệp ở mọi quy mô, lĩnh vực khác nhau. Ông thấy các quy định trong luật có đúng hướng đến mục tiêu như vậy không?

* Rất đúng. Ví dụ, về đấu giá, chúng ta không thể mang đất ra đấu giá để phát triển y tế, vì nếu đấu giá thì người ta sẽ không phát triển y tế mà sẽ phát triển bất động sản; hay doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể đấu giá để cạnh tranh với doanh nghiệp lớn.

Luật Đất đai (sửa đổi) lần này ngoài những cơ chế đã tính đến sự công bằng. Luật đã có một số cơ chế để thúc đẩy hoạt động về y tế, giáo dục, đã có cơ chế thu hồi đất, giao đất để thực hiện các dự án đó. Luật cũng quy định những khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải bố trí quỹ đất nhất định dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì họ không thể tiếp cận theo cách bình thường. Đó là điểm rất tốt về tiếp cận đất đai.

Mặt khác, tiếp cận đất đai có sự công bằng. Luật quy định những nguồn lực đất đai dành cho chính sách xã hội như: nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cho người lao động thu nhập thấp... Những thay đổi này sẽ tạo thuận lợi hơn, công bằng hơn trong tiếp cận, thị trường hơn cho các doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục