Lực đẩy FDI ở Đông Nam bộ

Đông Nam bộ là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đang thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mạnh nhất cả nước. Cùng với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, các tỉnh trong khu vực đang mở rộng, bổ sung các khu công nghiệp (KCN) vào quy hoạch để thu hút thêm các dự án FDI “khủng”, đón đầu làn sóng đầu tư mới đang dịch chuyển từ các nước châu Á khác sang Việt Nam.

Cú hích tăng trưởng

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bình Dương đã thu hút gần 4.000 dự án FDI với tổng số vốn trên 35 tỷ USD từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 9,2% vốn FDI của cả nước. Quy mô trung bình mỗi dự án khoảng 9,1 triệu USD và hiện đứng thứ 4 cả nước (sau Bạc Liêu, TPHCM và Hà Nội) về thu hút vốn FDI, 86% lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, cơ khí, điện, điện tử. Trong đó, hàng chục dự án quy mô 250-760 triệu USD đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc… Đặt mục tiêu giai đoạn 2015-2020 là thu hút 7 tỷ USD vốn FDI, nhưng cuối năm 2019 đã về đích sớm với kết quả đạt hơn 10,2 tỷ USD (vượt hơn 50% kế hoạch) và năm 2020 đã đạt khoảng 11 tỷ USD.

Một số dự án có vốn đầu tư đăng ký lớn như: dự án Công ty TNHH Nitto Denko tại KCN Việt Nam - Singapore (VSIP II), vốn 186,2 triệu USD; dự án Công ty TNHH Sharp Manufacturing tại KCN VSIP II-A, vốn 135 triệu USD; 2 dự án của Công ty TNHH Phát triển công nghiệp BW Thới Hòa tại KCN Thới Hòa, tổng vốn 105,8 triệu USD; dự án sản xuất sợi bố vỏ xe ô tô, túi khí ô tô và các sản phẩm khác của Công ty Kolon Industries (Hàn Quốc) tại KCN Bàu Bàng mở rộng, tổng đầu tư đến năm 2026 là hơn 600 triệu USD…

Lực đẩy FDI ở Đông Nam bộ ảnh 1 Nhà máy chế biến thịt gà xuất khẩu của tập đoàn CP Thái Lan đầu tư tại KCN Becamex Bình Phước khánh thành tháng 12-2020

Nhờ dòng vốn này, tỉnh Bình Dương đã khai thác có hiệu quả 48 KCN, cụm công nghiệp, tổng diện tích hơn 10.000ha (chiếm 1/4 diện tích KCN toàn miền Nam), đồng thời đang quy hoạch, mở rộng thêm 34 KCN tổng diện tích 14.790ha. Tại Đồng Nai hiện có 1.550 dự án FDI còn hiệu lực, đóng góp gần 47% GRDP. Giai đoạn 2016-2020, Đồng Nai thu hút gần 9 tỷ USD vốn FDI.

Năm 2021, tỉnh đề ra kế hoạch thu hút FDI khoảng 700 triệu USD. Trong đó có 3 dự án “khủng” là Hansonl Electronics Vietnam Ho Nai giai đoạn 2, nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Platel Vina (cùng ở TP Biên Hòa), nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Ojitex Việt Nam (Long Thành) có tổng vốn đầu tư 190 triệu USD.

Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ

Theo thống kê mới nhất từ Sở KH-ĐT Bình Dương, tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã thu hút 106 triệu USD vốn FDI. Trong đó, có 9 dự án cấp giấy chứng nhận đầu tư mới, tổng vốn đăng ký 60,6 triệu USD, 2 dự án điều chỉnh tăng vốn và góp vốn, mua cổ phần, tổng vốn đăng ký tăng 46,1 triệu USD.

Hướng tới phát triển bền vững, giá trị gia tăng cao, tỉnh Bình Dương chủ trương đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) với việc hình thành KCN tại huyện Bàu Bàng, quy mô trên 1.000ha, ưu tiên thu hút vốn đầu tư vào CNHT, nhất là dự án đầu tư nước ngoài.

Hiện đã có nhiều dự án triển khai đầu tư tại KCN này như: Dự án nhà máy sản xuất bố lốp, túi khí ô tô vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD, diện tích 42ha của Tập đoàn KOLON (Hàn Quốc), công ty Far Eastern Polytex Việt Nam…

Ngoài ra, tại KCN VSIP II-A, CTCP Tetra Park Bình Dương (Singapore) đã đầu tư xây dựng dự án nhà máy chuyên sản xuất bao bì đóng gói vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm… vốn đăng ký124 triệu USD.

Tỉnh Đồng Nai đã được Chính phủ quy hoạch 38 KCN và mở rộng một số KCN trọng điểm tại huyện Định Quán, Dầu Giây và KCN Amata, Hố Nai (TP Biên Hòa), hạ tầng giao thông đang được đầu tư, nâng cấp để thu hút đầu tư FDI.

Đáng chú ý, các KCN ở Đồng Nai có 372 dự án của DN Hàn Quốc (tổng vốn 6,1 tỷ USD) và 253 dự án của DN Nhật Bản (tổng vốn gần 4,8 tỷ USD, chủ yếu đầu tư ngành CNHT). Giá trị ngành CNHT của Đồng Nai đến cuối năm 2020 đạt hơn 130.000 tỷ đồng (chiếm 23% sản lượng ngành công nghiệp).

Dự kiến đến năm 2025, Đồng Nai sẽ thu hút hơn 10 tỷ USD vốn FDI. Theo ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở KH-ĐT Bình Dương, những năm qua, đầu tư FDI đã đóng góp lớn trong phát triển kinh tế của tỉnh, giúp kim ngạch xuất khẩu mỗi năm tăng cao, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước.

Đáng ghi nhận là quy mô dự án đã nâng lên gần gấp đôi so với giai đoạn 2010-2015. Nguồn vốn FDI thu hút trong 5 năm qua đã góp phần đưa Bình Dương trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu lớn, với giá trị công nghiệp và xuất khẩu đạt bình quân hơn 10% tổng sản lượng công nghiệp và giá trị xuất khẩu của cả nước.

Một tin vui với ngành điều Bình Phước là Tập đoàn Mekong Cooporation EUROPE BV-Hà Lan (MCE) và Công ty TNHH MTV Năng lượng An Việt Phát (AVP) vừa quyết định đầu tư 250 triệu USD xây dựng khu thực nghiệm, nghiên cứu, phát triển và nhà máy chế biến điều trên diện tích 200ha. Năm 2021, tỉnh Bình Phước đề ra kế hoạch thu hút vốn FDI 700 triệu USD và tiếp tục hoàn chỉnh chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, phấn đấu thu hút FDI đạt 1 tỷ USD/năm. UBND tỉnh Bình Phước vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch các KCN khoảng 2.500ha tại 2 KCN Minh Hưng - Sikico (1.000ha), KCN Bắc và Nam Đồng Phú (1.500 ha); bổ sung quy hoạch thành lập KCN mới 5.500ha giai đoạn 2021- 2030, gồm KCN và dân cư Đồng Phú (3.500ha), KCN Đồng Phú Becamex (2.000ha).

Tin cùng chuyên mục