Vì sao kế hoạch không thiếu, chương trình nhiều, nhưng vẫn khó thu hút nông dân sản xuất giỏi vào Đảng - là trăn trở mà Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung đặt câu hỏi với tập thể Huyện ủy huyện Bình Chánh khi làm việc với địa phương này về công tác phát triển đảng viên trong nông dân, ngày 21-11.
Thực tế cho thấy, nông dân sản xuất giỏi toàn huyện Bình Chánh đến nay là 4.281 người, trong đó cấp Trung ương có 38 người, cấp TP có 158 người, thế nhưng trong năm 2016 chỉ kết nạp được 2 đảng viên là cán bộ hội, chưa kết nạp được đảng viên nào là nông dân sản xuất giỏi.
Lúng túng trong tạo nguồn, bồi dưỡng
Kết nạp đảng trong nông dân còn nhiều hạn chế - đó không chỉ là khó khăn của huyện Bình Chánh, còn là thực tế chung ở các huyện ngoại thành hiện nay.
Tích cực phát hiện, kết nạp nhiều đảng viên
mới là nông dân
Theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy huyện Bình Chánh Nguyễn Thị Thanh Hà, từ năm 2010 đến 2015, đã có 40 đảng viên được kết nạp Đảng từ sự giới thiệu của Hội Nông dân huyện. Một trong những khó khăn trong công tác kết nạp Đảng trên địa bàn huyện, là từ năm 2014 trở về trước, công tác giới thiệu hội viên ưu tú cho đảng ủy xã, thị trấn thiếu xem xét các điều kiện, tiêu chuẩn (trình độ văn hóa) nên số lượng hội viên ưu tú được kết nạp vào Đảng đạt tỷ lệ thấp so với số lượng hội viên ưu tú giới thiệu.
Ngoài ra, theo trình bày của đại diện các xã tại Bình Chánh, nguyên nhân là do một số cấp ủy còn lúng túng trong công tác bồi dưỡng tạo nguồn, kết nạp Đảng cho nông dân; nhiều nông dân còn hạn chế về trình độ học vấn, lớn tuổi và vi phạm chính sách dân số; việc đánh giá, nhận xét cảm tình Đảng ở nhiều chi bộ còn chung chung, chưa sát người, sát việc; vẫn còn một số chi bộ chỉ chú ý chọn trong quần chúng hoặc cán bộ hội những người đủ tiêu chuẩn để kết nạp, chưa chú trọng công tác tuyên truyền, bồi dưỡng những đối tượng nổi bật khác nhưng chưa đạt chuẩn. Mặt khác, do đời sống kinh tế khó khăn, đa số nông dân phải chăm lo cuộc sống, ít tham gia các hoạt động xã hội. Ngoài việc các tổ chức đoàn thể chưa mạnh dạn đổi mới phương thức hoạt động để thu hút đoàn viên tham gia, phát huy khả năng và tạo điều kiện cho thanh niên nông thôn phấn đấu, một số nơi cũng nhìn nhận còn thiếu quan tâm trong việc tạo nguồn để giới thiệu cấp ủy xem xét, kết nạp Đảng.
Giúp thanh niên nông thôn có điều kiện cống hiến
Theo đồng chí Võ Thị Dung, việc kết nạp Đảng cho nông dân đòi hỏi sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy và tổ chức thực hiện nghiêm túc của chi bộ ấp, chi bộ hợp tác xã. Trong đó, các huyện ủy cần tăng cường công tác chỉ đạo, có kế hoạch, giải pháp chỉ đạo cụ thể; thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong công tác tạo nguồn và kết nạp đảng viên, không thụ động chờ quần chúng, nhất là nông dân sản xuất giỏi tự đào tạo cho “đủ chuẩn”. Bên cạnh đó, các chi bộ khu phố, ấp, cần duy trì nền nếp, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ định kỳ, các buổi sinh hoạt của cấp ủy, chi bộ khu phố, ấp. Tiến hành đánh giá tình hình kết quả công tác phát triển đảng viên và rà soát, nhận xét ưu điểm, khuyết điểm đối với cảm tình Đảng, kịp thời có biện pháp giúp đỡ hoặc đưa ra khỏi nguồn những đối tượng không tiến bộ và bổ sung những đoàn viên, hội viên, quần chúng ưu tú được các tổ chức đoàn thể giới thiệu.
Theo đồng chí Võ Thị Dung, phải tích cực phát hiện, lựa chọn, giới thiệu, kết nạp nhiều đảng viên mới là nông dân thông qua các phong trào cụ thể trong phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển hạ tầng kỹ thuật nông thôn, phát huy tình làng nghĩa xóm, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn… Nêu cao vai trò của bí thư chi bộ, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên cần có tác phong “miệng nói, tay làm” là tấm gương về đạo đức, lối sống, đặc biệt là có cách nghĩ, cách làm giàu chính đáng để thực sự tạo sức hút đối với quần chúng.
Ngoài ra, theo đồng chí Võ Thị Dung, phải cấp bách đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể. Chỉ đạo các đoàn thể lập kế hoạch, hướng dẫn đoàn viên, hội viên đăng ký phấn đấu trở thành đảng viên. Các tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân có các hoạt động thiết thực, các chính sách hỗ trợ việc làm, nhất là sau khi nông dân bị thu hồi đất, tạo mọi điều kiện thu hút đông đoàn viên, hội viên yên tâm lao động, làm giàu chính đáng, ổn định cuộc sống ngay trên địa phương mình. Mặt khác, cấp ủy Đảng chỉ đạo các tổ chức đoàn thể giao việc cụ thể cho thanh niên nông thôn nhằm giúp họ có điều kiện cống hiến và trưởng thành.
HỒNG HIỆP