Cán bộ ngành kiểm sát

Luôn hướng tới “công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn”

Luôn hướng tới “công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn”

Hôm nay, 22-7-2005, ngành kiểm sát TPHCM sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập ngành (26-7-1960- 26-7-2005) và 30 năm xây dựng, phát triển của VKSND TPHCM. Nhân dịp này, chúng tôi đã trao đổi với bà Võ Thị Kim Hồng, Viện trưởng VKSND TPHCM về một số vấn đề mà người dân quan tâm như công tác cải cách tư pháp, chống tham nhũng, công tác cán bộ.

Luôn hướng tới “công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn” ảnh 1

- Thưa Viện trưởng, trong Nghị quyết 08-NQ/TƯ ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp, vai trò của ngành kiểm sát được đề cao, nhất là trong việc chống oan sai, kiểm sát công tác xét xử. Ngành kiểm sát thành phố đã làm được gì để góp phần cải cách tư pháp tại TPHCM?

- Thực hiện chỉ đạo của Viện KSND tối cao và Thành ủy, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp (CCTP) TPHCM, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TƯ, xác định nhiệm vụ trọng tâm của mình là “…tập trung làm tốt chức năng công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Viện KSND các cấp phải chịu trách nhiệm về những oan, sai trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam thuộc thẩm quyền phê chuẩn của mình; xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên trong sạch, vững mạnh”.

Chúng tôi cũng tăng cường các biện pháp quản lý để hạn chế vi phạm xảy ra trong hoạt động tố tụng, như bắt giam, giữ oan sai hoặc bỏ lọt người, lọt tội. Đồng thời, có biện pháp nâng cao tỷ lệ tham gia xét xử đối với các loại án kiện dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh tế, hành chánh; tập trung làm tốt công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm của ngành.

- Viện trưởng có thể cho biết một số kết quả nổi bật?

- VKS hai cấp tăng cường kiểm sát việc thụ lý và giải quyết tin báo tội phạm của cơ quan điều tra nhằm đảm bảo việc khởi tố vụ án, bị can đúng căn cứ pháp luật. Công tác kiểm sát điều tra của VKS hai cấp đã cố gắng tập trung kiểm sát điều tra 100% số vụ án từ khi khởi tố, điều tra; chất lượng giải quyết các vụ án hình sự có nhiều tiến bộ, tỷ lệ bắt giữ đưa vào khởi tố hình sự tăng dần từ 95% (năm 1997) đến 99% (từ 2001 đến nay), tỷ lệ đình chỉ điều tra giảm từ trên 5% xuống còn dưới 1% so với tổng số thụ lý các vụ án, tỷ lệ trả điều tra bổ sung giảm hàng năm từ 17% (năm 1996) xuống còn dưới 6% (năm 2004). Trên cơ sở tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, VKSND hai cấp đã phát hiện, yêu cầu cơ quan điều tra xác minh khởi tố hàng trăm vụ án hình sự…

- Còn trong công tác thực hành quyền công tố xét xử các vụ án hình sự?

- Kiểm sát viên đã chú trọng việc tham gia xét hỏi bị can, chủ động tranh luận dân chủ với luật sư, những người tham gia tố tụng khác. Đặc biệt nhất là việc duy trì công tố, xét xử thành công vụ án Trương Văn Cam và đồng bọn. Đây là phiên tòa hình sự lớn nhất từ trước đến nay của nước ta. Trong các vụ án điểm như vụ Nguyễn Văn Lâm, vụ Tống Thành Đạt, Ủy ban Kiểm sát đã kịp thời phát hiện lọt người, lọt tội, mức án đề xuất không tương xứng với tội phạm nên đã yêu cầu điều tra bổ sung.

Trong công tác chỉ đạo, điều hành, VKSNDTP đã rà soát, bổ sung, hoàn thiện nội quy, quy chế làm việc của cơ quan nhằm xác định rõ trách nhiệm của từng cán bộ, công chức cũng như của cán bộ lãnh đạo. Chúng tôi cũng chú trọng xây dựng mối quan hệ phối hợp, nhất là phối hợp các cơ quan tư pháp để bàn các biện pháp giải quyết những vụ án trọng điểm, phức tạp, có vướng mắc về quan điểm xử lý giữa các ngành, trao đổi thông tin về tội phạm… 

- Theo Viện trưởng, trong thời gian tới, ngành kiểm sát thành phố phải làm gì để công tác cải cách tư pháp đạt được hiệu quả khả quan hơn?

Luôn hướng tới “công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn” ảnh 2

Số cán bộ kiểm sát trẻ, sinh sau 1975, chiếm tỷ lệ 37% trong cơ cấu cán bộ chung của VKSND TPHCM. Ảnh: HOÀNG ANH THƯ

- Theo tôi, việc thực hiện nhiệm vụ của ngành phải đi vào chiều sâu để phấn đấu từng bước nâng cao chất lượng công tác kiểm sát, không để lọt tội phạm nhưng cũng không làm oan người vô tội, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước và công dân.

Muốn làm được điều đó, phải tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an, tòa án, tư pháp để đạt hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; tham mưu, đề xuất cho Thành ủy và chính quyền thành phố những biện pháp thiết thực nhằm đẩy mạnh công tác đấu tranh chống tham nhũng, chống tội phạm, phục vụ tốt chương trình “3 giảm” góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

- Người dân rất quan tâm đến công tác chống tham nhũng của các cơ quan bảo vệ pháp luật, VKSNDTP đã thể hiện vai trò của mình như thế nào trong thời gian gần đây?

- Với vai trò là cơ quan bảo vệ pháp luật, Viện KSND TPHCM đã phối hợp với cơ quan điều tra, tòa án điều tra, truy tố và đưa ra xét xử một số vụ án về tham nhũng với đường lối xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện tượng tham nhũng đang là vấn đề dư luận bức xúc, nhưng tỷ lệ điều tra, khám phá ít.

Nhiều trường hợp tham nhũng không được phát hiện từ nội bộ tổ chức đảng, bộ máy nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội mà thường từ đơn, thư tố cáo của quần chúng, từ báo chí như vụ chiếm đoạt tiền quỹ ở Sở LĐ-TB-XH TP, ở Công ty Cấp nước TPHCM, ở Chi nhánh Fafilm Việt Nam, vụ Công ty địa ốc Gò Môn... Công tác thanh tra, kiểm tra ở nhiều nơi chưa thường xuyên, phần lớn khi có đơn, thư tố giác mới thanh tra, kiểm tra. Việc xử lý những cán bộ sai phạm chưa kiên quyết, kịp thời và chưa công bằng nên hạn chế tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa.

Trong thời gian tới, để đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả, ngành kiểm sát thành phố sẽ tiếp tục tăng cường mối quan hệ phối hợp với các ngành, các phương tiện thông tin đại chúng để nắm tình hình vi phạm và tội phạm. Thông qua đó, phối hợp với cơ quan điều tra tiến hành điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm loại tội phạm này. Qua việc xử lý các vụ án cụ thể, VKS sẽ có những kiến nghị các cơ quan, đơn vị có những biện pháp chấn chỉnh nhằm tránh những vụ việc tương tự xảy ra.

- Trong công tác cán bộ, Viện trưởng có điều gì băn khoăn?

- Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên của ngành đã có nhiều nỗ lực phấn đấu, thể hiện được bản lĩnh vững vàng trong việc thực hiện nhiệm vụ và đã đạt được một số thành tích nhất định. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Về trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên tuy có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực nhưng chưa đồng đều, chưa ngang tầm với yêu cầu cải cách tư pháp; một số cán bộ, kiểm sát viên ý thức trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp chưa cao. Thậm chí có một số người do thiếu tu dưỡng rèn luyện, vi phạm kỷ luật nghiệp vụ bị xử lý và bị truy tố trước pháp luật.

Bên cạnh đó, tôi rất lo khi đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên luôn thiếu về số lượng so với yêu cầu biên chế, đồng thời một bộ phận chưa đáp ứng với đòi hỏi của công việc trong khi tình hình thực tế luôn quá tải vì số lượng án, vì tính chất phức tạp của công việc.

Một số khâu công tác, một số VKS quận, huyện hầu như không đủ số cán bộ, kiểm sát viên cần thiết. Chế độ đãi ngộ, chế độ tiền lương còn thấp so với nhu cầu cuộc sống, chưa tương xứng với tính chất và yêu cầu của công việc mà họ đảm nhận, vì thế chưa tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy họ hăng say làm việc, chưa khuyến khích người tài, giỏi về công tác trong ngành.

Hướng sắp tới là tiếp tục chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên toàn ngành, tăng cường giáo dục phẩm chất đạo đức người cán bộ kiểm sát theo đúng lời dạy của Bác Hồ “công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn”, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ nhằm mục đích xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên có phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc cải cách tư pháp.

MINH - UYÊN thực hiện

 Cách đây 45 năm, do nhu cầu của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi pháp luật phải được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, Hiến pháp năm 1959 lần đầu tiên đã quy định chế định Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) trong bộ máy nhà nước. Ngày 15-7-1960, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa II đã thông qua Luật Tổ chức Viện KSND. Ngày 26-7-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh số 20-L/CTN công bố Luật Tổ chức Viện KSND, đánh dấu sự ra đời của Viện KSND trong hệ thống bộ máy nhà nước Việt Nam.

Ngay sau khi miền Nam được giải phóng, tháng 5-1975, Viện Công tố nhân dân được thành lập tại Sài Gòn. Sau Hội nghị Hiệp thương 2 miền Nam Bắc thống nhất đất nước, Viện trưởng Viện KSND tối cao đã ra Quyết định số 33/QĐ-76 ngày 2-8-1976 thành lập Viện KSND TP Hồ Chí Minh trực thuộc Viện KSND tối cao.

  • 30 năm - Viện kiểm sát TPHCM

* Khi mới thành lập, năm 1976, toàn ngành chỉ có 5 tổ nghiệp vụ, 17 VKS quận, huyện với 92 cán bộ, nhân viên; trong đó có 26 kiểm sát viên, 5 đồng chí có trình độ đại học, 12 đồng chí có bằng trung cấp pháp lý.

* Đến 1997, ngành kiểm sát TPHCM có 13 phòng nghiệp vụ, 24 VKSND quận, huyện với 576 cán bộ, trong đó có 389 kiểm sát viên.

* Đến tháng 7-2005, toàn ngành kiểm sát có 443 cán bộ tốt nghiệp đại học (chiếm tỷ lệ 76,5%), 14 cán bộ có bằng sau đại học (1 tiến sĩ, 12 thạc sĩ và 2 nghiên cứu sinh tiến sĩ).

* Đã 4 lần, VKSND TPHCM được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động (hạng 1, 2, 3); 4 lần nhận cờ thi đua luân lưu của Chính phủ vào các năm 1984, 1997, 1998, 2004; 16 lần là đơn vị dẫn đầu thi đua toàn ngành; riêng Phòng kiểm sát tuân theo pháp luật và ông Trịnh Minh Tân (Trưởng phòng 1) được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3.

* VKSND các quận, huyện được tặng thưởng 9 Huân chương Lao động hạng 2, 3.

 C.Q.

Tin cùng chuyên mục