Mạch lạc hóa chính sách kinh tế với chính sách xã hội

12/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Ngày 11-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo và cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước.

12/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Thừa ủy quyền Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đã trình bày các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong 3 năm 2011 - 2013, kế hoạch 2014 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2013 ước đạt 5,14%, dự báo cả năm tăng 5,4%, cao hơn mức tăng trưởng kinh tế năm 2012 (5,25%); tạo việc làm mới xấp xỉ đạt kế hoạch. Xuất khẩu tiếp tục tăng ở mức 15,7%, ước cả năm 2013 nhập siêu khoảng 500 triệu USD. Cán cân thương mại cải thiện cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân tăng đã giúp cán cân thanh toán tổng thể thặng dư lớn, tăng ngoại tệ dự trữ ngoại hối, tạo sự ổn định tỷ giá khá vững chắc. Thị trường tài chính ổn định hơn; mặt bằng lãi suất đã giảm từ 2% - 5% so với đầu năm, trong đó lãi suất huy động đã giảm 2% - 3%, lãi suất cho vay giảm 3% - 5%...

Qua thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế một mặt ghi nhận những thành quả đạt được, mặt khác đã phân tích sâu sắc những dấu hiệu bất ổn cần có giải pháp chấn chỉnh, bổ khuyết trong thời gian tới. Cơ quan thẩm tra nhận định, kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối diện với áp lực lớn trong ngắn hạn và chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong 1 - 2 năm tới. Lạm phát giảm, nhập khẩu giảm, nhập siêu không đáng kể nhưng không phải là tín hiệu phục hồi vững chắc của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2011 - 2013 dự kiến sẽ chỉ đạt 5,6%/năm, ở mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch (6,5% - 7%).

Trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta chậm lại thì một số nước trong khu vực ASEAN đã có sự cải thiện rõ rệt. “Tỷ lệ thất nghiệp chung theo báo cáo là giảm, nhưng thực chất là do lao động ở khu vực chính thức đã phải chuyển sang làm việc trong khu vực phi chính thức, đồng thời nhiều lao động thiếu việc làm, không có việc làm thường xuyên, thu nhập thấp và thiếu ổn định. Tốc độ tăng năng suất lao động có xu hướng chậm lại, trong giai đoạn 2003 - 2007 tốc độ tăng năng suất lao động đạt khoảng 5,17% mỗi năm, giai đoạn 2008 - 2012 chỉ còn khoảng 3,08% mỗi năm”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.

Bội chi ngân sách giảm từ mức 4,9% năm 2011 xuống 4,8% năm 2012 và dự kiến năm 2013 vẫn ở mức 4,8%, bằng mức kế hoạch. Tuy nhiên, do thu chi ngân sách nhà nước tiếp tục mất cân đối trong năm 2013, nên dự kiến sẽ hụt thu khoảng 21.000 tỷ đồng so với dự toán. Dự báo năm 2014 có khả năng sẽ hụt thu ở mức cao hơn, nên khó đạt chỉ tiêu đến năm 2015 bội chi ngân sách kể cả trái phiếu Chính phủ dưới 4,5% GDP theo Nghị quyết Quốc hội.

Đổi mới thể chế “còn ngập ngừng”?

Nhiều lần giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng tỏ ra lo lắng về tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2013 không đạt 29,5% như dự kiến mà con số mới nhất chỉ đạt 29,1%. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, điều này có một nguyên nhân quan trọng là một số vấn đề có liên quan đến chủ trương, quan điểm phát triển chưa có sự thông suốt, đồng thuận cao dẫn đến “đổi mới thể chế còn ngập ngừng, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường, chưa tạo được đột phá để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển”. Nếu nhà nước cứ bao cấp mãi trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, “cứ tăng giá là bị phản ứng thì đất nước không thể phát triển được”.

Về kế hoạch các năm 2014 - 2015, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, một số chỉ tiêu chủ yếu đã được điều chỉnh để phù hợp với tình hình. Theo đó, GDP tăng bình quân 6%/năm, năm 2014 tăng 5,8%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ 31% - 32%, bội chi ngân sách dưới 5,3% vào năm 2015...

Góp ý về các bản báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận xét, tăng trưởng kinh tế chưa đạt được ở mức hợp lý nhất, có xu hướng giảm dần từ năm 2011 đến nay. Ông Phùng Quốc Hiển đánh giá cao kết quả điều hành lạm phát, nhưng cho rằng chính việc “siết” quá nhanh tín dụng từ mức tăng trưởng 39%/năm xuống còn 12% đã để lại nhiều hệ lụy. Dễ thấy nhất là DN đổ vỡ nhiều, vì DN lệ thuộc rất lớn vào vốn vay.

Tỏ ra băn khoăn về tình trạng số liệu tiếp tục “nhảy múa”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước yêu cầu chấn chỉnh công tác điều tra, thống kê để có cơ sở khoa học cho việc lập quy hoạch, kế hoạch; phân định rõ thẩm quyền của các cơ quan Trung ương. Ông Ksor Phước nhìn nhận, trong bối cảnh khó khăn về nguồn thu mà báo cáo cứ đề xuất các vấn đề dễ dẫn tới lạm phát là “chưa thận trọng” trong chính sách tài khóa. Có cùng quan điểm với Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển, ông Ksor Phước đề nghị đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cổ phần hóa các DNNN.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ghi nhận những kết quả đáng trân trọng trong 3 năm vừa qua, song yêu cầu phân tích, đánh giá kỹ một số vấn đề. Đó là sự thiếu bền vững, ổn định của cân đối vĩ mô chưa ổn. “Cần phải phân tích sâu hơn, đầu tư công, đầu tư DN, đầu tư xã hội đều có chuyện. Đầu tư công đã cắt bớt giảm bớt, nhưng rất nhiều dự án dở dang vẫn “chôn vốn” ở đó. Số thu ngân sách giảm mạnh, cũng có nghĩa là chất lượng nền kinh tế chưa cao, năng suất lao động trong mọi thành phần kinh tế đều chưa được cải thiện…”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phải phân định rạch ròi giữa các chính sách kinh tế với chính sách xã hội. Đã là kinh tế thị trường thì chi phí phải đủ, thu phải đủ chi. Còn người có công, diện chính sách, người nghèo thì nhà nước phải lo, cần mạch lạc phần lo này ra, nếu không thì các năm 2014 - 2015 báo cáo lại vẫn thế.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục