Đến thăm mái ấm Bừng Sáng vào một buổi tối, từ ngoài cổng nhìn vào có thể thấy cảnh các em học sinh ở độ tuổi tiểu học đang chăm chú ôn bài. Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hoàng, Chủ nhiệm mái ấm, cho biết các em đang ôn bài chuẩn bị thi học kỳ.
Sau khi đi học ở trường về, các em được các nữ tu ôn bài, tập viết chính tả bằng chữ nổi Braill. Các em học cấp 2 và 3 thì được nhóm thiện nguyện Đồng hành ước mơ dạy kèm ở một góc nhỏ trên sân thượng để theo kịp các bạn trong lớp. Một số em được học tại các trường học dành riêng người khiếm thị, như Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu và một số thì được học tại các trường hòa nhập.
Em Phan Văn Hiếu (19 tuổi, quê ở Ninh Bình, đã ở mái ấm suốt 12 năm qua) nhiệt tình kể, do bị ảnh hưởng chất độc da cam từ cha nên khi mẹ mang thai, bác sĩ cho biết là em bé sẽ bị dị tật, dù qua siêu âm không phát hiện. Khi sinh ra thì mắt em đã không nhìn thấy. Gia đình đã đưa em đi chữa trị ở nhiều bệnh viện nhưng không khỏi. Đến khi sinh em gái em cũng bị căn bệnh như vậy nên ba mẹ không dám sinh con thêm. Hiện nay, cả anh em Hiếu đều ở mái ấm này và đi học trường hòa nhập chung với các bạn sáng mắt.
Các em khiếm thị ở mái ấm Bừng Sáng trong giờ ôn bài
Ngoài giờ học ở lớp, các em ở mái ấm còn được học vi tính, học đàn, hát, cờ vua, võ thuật, kỹ năng sống... do các giảng viên tình nguyện ở các trung tâm, trong đó có các giảng viên từng lớn lên và trưởng thành ở mái ấm này, như thầy Phú, thầy Huyến... Các bạn còn được học nghề massage, kết cườm, làm hoa, móc chìa khóa, đan giỏ… để sau này có thể tự nuôi sống mình. Sau khi học xong các lớp phổ thông thì các em được học tiếp lên đại học hoặc cao đẳng. Nhiều em sau khi học xong, có việc làm ổn định đã không quên các em nhỏ đồng cảnh ngộ và đã quay về trường bảo trợ các em. Không chỉ nuôi dạy các em ăn học, các nữ tu ở đây còn giúp các em tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao… Nhiều em đã đoạt giải các hội thi của người khuyết tật, như em Trương Đặng Minh Hoàng đoạt huy chương bạc môn Judo tại giải thể thao người khuyết tật TPHCM tổ chức từ ngày 9 đến 12-4 vừa qua.
Lúc thầy giáo khiếm thị Đào Khánh Trường còn sống, cũng có nhiều nhóm, tổ chức từ thiện biết việc làm ý nghĩa của thầy và cảnh khó khăn của mái ấm nên đã thường xuyên tới thăm và giúp đỡ các em, trong đó có nữ tu Maria Hoàng. Sau khi thầy mất, vì cảm thương các em không có người tiếp tục nuôi dưỡng chăm sóc nên nữ tu này tình nguyện về chăm sóc các em, tính đến nay đã gần 10 năm. Chính vì thế mà các em yêu thương và kính trọng các nữ tu như người thân của mình. Nữ tu Maria Hoàng cho biết, đối với người sáng mắt thì việc học tập và đi lại rất dễ dàng, nhưng đối với các em khiếm thị thì phải cố gắng rất nhiều. Hàng ngày, các em đi học đều phải có người đưa đón đến trường. Các em ở đây đã nỗ lực trong học tập, tự tin trong giao tiếp và vui chơi, thân thiện với mọi người. Hàng năm vào dịp nghỉ hè, các em được về đoàn tụ với gia đình rồi sau đó trở lại mái ấm để tiếp tục việc học.
Cũng như các anh chị đi trước, các em rồi cũng sẽ trưởng thành, sẽ rời xa mái ấm thân thương này, nhưng trong lòng các em hẵn sẽ lưu giữ mãi những ký ức đẹp về những ngày sống ở mái ấm Bừng Sáng, lưu giữ những tình cảm bạn bè và ân nghĩa sâu nặng của các nữ tu, những người mẹ thứ hai của các em…
|
ĐẶNG NHUNG