Mái ấm của người khiếm thị vùng sâu

14 năm qua, căn nhà tình thương do Nhà nước cất cho chị Bùi Thị Lợi (40 tuổi, ở xã Tân Công chí, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) trở thành cơ sở hoạt động từ thiện, massage bấm huyệt và dạy nghề cho người mù nghèo trong và ngoài địa phương.
Vợ chồng chị Lợi (bên trái) và 2 hội viên khiếm thị đang học nghề đan thảm chùi chân tại nhà
Vợ chồng chị Lợi (bên trái) và 2 hội viên khiếm thị đang học nghề đan thảm chùi chân tại nhà
 Là Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Tân Hồng, chị Lợi chia sẻ: “Tôi muốn phục vụ bà con lao động nghèo tốt hơn để tạ ơn những người đã sẵn lòng giúp đỡ tôi lúc gian nan, khốn khó”.

Chị Lợi quê ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Sau ca mổ sỏi thận và sỏi bàng quang vào năm 2009, chị bị mù 2 mắt do viêm dây thần kinh trung ương dẫn đến teo tròng, phù gai thị. Chồng chị đã bỏ nhà ra đi từ đó. Thân mù lòa, chị gửi 2 con nhỏ cho người chị ruột chăm sóc, rồi nhờ bạn bè giúp đi học nghề bấm huyệt xoa bóp ở Phòng khám Nhân đạo Tân Châu (tỉnh An Giang) và nhiều lớp hướng dẫn tập vật lý trị liệu ở Hội Đông y quận Gò Vấp (TPHCM). 

Có được cái nghề phù hợp hoàn cảnh, chị về nhà trị bệnh cho bà con trong vùng; chi phí điều trị do người bệnh tùy hỷ cho vào thùng từ thiện. Thấy chị hiền lành đơn chiếc nên một số người mù đến xin học nghề, vài cô bác được chị giúp lành bệnh cũng thường tới lui bồng ẵm con nhỏ, dọn dẹp quét nhà để chị rảnh tay làm cho khách. Có hôm đông khách, họ nghỉ lại qua đêm. Từ đó nhà chị trở thành mái ấm của những người đồng cảnh ngộ. 3 năm qua, mái ấm ngày nào cũng rộn tiếng cười nói râm ran. 

Anh Phạm Trung Hiếu (37 tuổi, ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cũng là người khiếm thị. Một dịp về Đồng Tháp thăm bạn, anh xin ở lại cơ sở làm nghề và sau đó nên duyên với chị. Đã có 30 người mù nghèo đến học nghề được chị đưa đi học tiếp tại TPHCM để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Tất cả đều được cấp bằng và lần lượt đi tứ tán làm nghề mưu sinh. Hiện tại, mái ấm của vợ chồng chị chỉ còn 4 người phục vụ. Tuy bận rộn việc nhà, việc hội, chị Lợi vẫn tranh thủ thời gian đi xin vải vụn làm vật liệu dạy nghề đan thảm chùi chân, giỏ xách, chổi, đồ nhắc nồi… cho những người khiếm thị có nhu cầu. Cô Nguyễn Thị Béo (68 tuổi, ở xã Tân Phước, huyện Tân Hồng) bị mù đôi mắt, tâm sự: “Tôi nhà nghèo, 2 con đi làm mướn. Ở nhà buồn đến nhờ cô Lợi chỉ đan thảm rồi bán giùm; làm 2 ngày cũng kiếm được vài chục ngàn đồng. Cô ấy tốt bụng và thương tôi lắm”. 

Điều mong ước của vợ chồng chị Lợi hiện nay là có nơi tiêu thụ sản phẩm thủ công làm bằng vải vụn, giúp cô bác mù có thu nhập ổn định. Đồng thời, mái ấm cũng có cơ hội dành dụm để sửa sang, lợp lại lành lặn sau 14 năm đã xuống cấp.

Tin cùng chuyên mục