Sư cô Huệ Bình, người đã hơn 32 năm gắn bó với chùa trong việc chăm sóc các cụ già neo đơn và các em mồ côi, cho biết: “Hầu hết các em được nuôi dưỡng tại chùa là do gia đình, cha mẹ bỏ rơi từ lúc còn đỏ hỏn. Nhà chùa thấy tội nghiệp và thương nên đem vào chùa nuôi dưỡng. Lúc đầu một hai em, đến nay sĩ số các em ở tại mái ấm này lên đến 30”.
Có những em đến với chùa trong hoàn cảnh hết sức thương tâm, như trường hợp em Đỗ An Giàu, 16 tuổi, vừa mất cách đây không lâu. Sư cô cho biết, em Giàu bị bệnh down và tim bẩm sinh. Cũng chính vì vậy mà khi mới lọt lòng mẹ, em đã bị bỏ rơi trước cổng chùa.
Sư cô đem vào nuôi dưỡng và chăm sóc bằng tình thương của người mẹ. Mặc dù không biết nói, nhưng em rất mến sư cô Huệ Bình. Không người nào có thể cho ăn và tắm cho em Giàu được ngoài sư cô. Vì thế mà cô không thể đi đâu lâu được. Buồn thay, trong một cơn đau tim, em đã rời xa mái ấm và được nhà chùa lo hậu sự chu đáo.
Các em ở mái ấm Bình An hiện nay có tuổi từ 3 đến 14. Tất cả các em trong độ tuổi đi học đều được nhà chùa làm giấy tờ và lo cho ăn học tại các trường công lập ở khu vực gần chùa. Các em nhỏ thì nhà chùa thuê người đưa rước, các em lớn tự đạp xe đi học. Như hiểu được hoàn cảnh và xuất thân của mình nên các em rất ngoan, tự lập và có ý thức trong việc học tập. Cô Huệ Bình cho biết, trong số các em ở đây có em Đỗ An Quý, 14 tuổi, đã học hết lớp 8 ở Trường THCS Tân Tạo, là học giỏi nhất. Suốt 8 năm liền đều đạt học sinh giỏi của trường.
Em rất có năng khiếu môn Anh văn nên sư cô xin cho đi học ở trung tâm ngoại ngữ gần chùa và em đã thi lấy được nhiều chứng chỉ ngoại ngữ có giá trị. Ngoài ra, em Quý còn có năng khiếu võ thuật nên sư cô tự hào khen em là “Văn võ song toàn”. Hỏi thăm Quý về nghề nghiệp tương lai, em cho biết: “Sau này lớn lên con muốn làm nghề thiết kế thời trang để có thể thiết kế ra nhiều mẫu trang phục làm đẹp cho mọi người”.
Ngoài em Quý, có em Đỗ An Hiếu, 23 tuổi, lớn nhất tại mái ấm, đã tốt nghiệp THPT và hiện đang theo học Trường Trung cấp Phật học tại quận 9. Em Hiếu có ý nguyện muốn xuất gia và làm các công việc thiện nguyện của sư phụ. Trong hè này, em cũng tranh thủ học lái ô tô để thuận tiện trong công việc sau này. Các em ở mái ấm ban ngày đi học, buổi tối về chùa có sư cô, các tình nguyện viên ghé chùa kèm cặp trong việc học tập và làm bài tập về nhà.
Để duy trì hoạt động mái ấm, các sư cô làm bánh giò, bánh cam, bánh ít trần… bán hàng ngày hoặc trong dịp rằm, mùng 1 hàng tháng. Tuy nhiên, cũng chỉ đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho các cháu và các cụ ở đây. Nỗi lo về tiền sách vở, tiền học cho các cháu vào đầu năm học mới và lo thuốc men cho các cụ mỗi khi trái gió trở trời luôn thường trực trong đầu những người làm công việc thiện nguyện ở mái ấm Bình An. Rất mong các nhà hảo tâm chung tay cùng với chùa để duy trì mái ấm một cách tốt nhất, để những mảnh đời kém may mắn trong cuộc sống cảm thấy được an ủi, ấm lòng!
Ghé thăm khu nuôi dưỡng người già neo đơn, sư cô Huệ Bình cho hay, hiện có hơn 60 cụ già đang được chăm sóc tại chùa. Các cụ tuổi đã ngoài 60 tuổi. Mỗi người một hoàn cảnh, có cụ làm ăn xa quê đã lâu, nay già yếu không có con cháu nên xin vào chùa ở. Có cụ bị con cháu bỏ rơi không nuôi dưỡng, được những người hảo tâm đưa vào chùa tá túc, nương tựa những ngày tháng cuối đời.