Malaysia tăng tốc phát triển công nghiệp mới

Nhiều nước Đông Nam Á đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, trong đó có Malaysia. Để bắt kịp cơ hội thu hút nguồn vốn FDI quốc tế, Chính phủ Malaysia đang đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ sinh thái toàn diện, hướng tới phát triển ngành công nghiệp chất lượng cao.

Báo cáo Xếp hạng Năng lực cạnh tranh thế giới năm 2023 cho thấy, Malaysia đã tăng 5 bậc, lên vị trí thứ 27 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới. Theo báo cáo, sự cải thiện năng lực cạnh tranh của Malaysia trong bảng xếp hạng chủ yếu được hỗ trợ bởi sự phục hồi kinh tế, tăng trưởng đầu tư và những điểm sáng trong ổn định tỷ giá hối đoái và thị trường việc làm. Các lĩnh vực thế mạnh của Malaysia bao gồm giá cả, cơ sở hạ tầng cơ bản và chính sách thuế.

BMI, bộ phận nghiên cứu thuộc tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Group, đánh giá, Malaysia đã tăng trưởng tới 5,6% trong quý 1-2023, cao hơn kỳ vọng 4,8%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng quý 1-2023 thấp hơn so với con số 7,1% cùng kỳ năm 2022. Do đó, làn sóng các nhà đầu tư quốc tế chuyển dịch từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á đã mang đến nhiều cơ hội thuận lợi cho sự phục hồi kinh tế của Malaysia.

Dây chuyền sản xuất ôtô tại Malaysia

Dây chuyền sản xuất ôtô tại Malaysia

Để hỗ trợ cho kế hoạch phát triển kinh tế mới của Malaysia, Kế hoạch Tổng thể công nghiệp mới 2030 (NIMP 2030) ra đời, với mục đích đạt được các mục tiêu đặt ra trong 10 năm tới, bao gồm trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Á, một trong 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới và nằm trong số 12 quốc gia hàng đầu về năng lực cạnh tranh toàn cầu. Theo đó, NIMP 2030 sẽ tạo thêm nhiều việc làm, với mức lương cao hơn cho người lao động, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường mới cho các nhà sản xuất trong nước.

NIMP 2030 là khuôn khổ toàn diện, bao gồm các chiến lược, ưu tiên và các kế hoạch triển khai nhằm chuyển đổi ngành công nghiệp của Malaysia. Kế hoạch có sự tham gia đóng góp của nhiều bộ, ngành và các bên liên quan nhằm nâng cao vị thế của ngành công nghiệp Malaysia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hội đồng Quốc gia phụ trách Kế hoạch NIMP 2030 chịu trách nhiệm định hướng chiến lược, giám sát, điều phối và triển khai kế hoạch hành động; đơn vị Quản lý Phân phối (DMU) sẽ được thành lập, trực thuộc MITI để điều phối các vấn đề hành chính liên quan, cũng như theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện NIMP 2030.

Theo dự báo của Chính phủ Malaysia, Kế hoạch NIMP 2030 sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất. Đến năm 2030, NIMP 2030 dự kiến có thể đóng góp 587,5 tỷ RM (125 tỷ USD) vào tổng sản phẩm quốc nội. Dự báo này dựa trên tốc độ tăng trưởng 6,5% của ngành sản xuất, bao gồm sự đóng góp từ các ngành điện và điện tử, hóa chất, xe điện, hàng không vũ trụ, dược phẩm, thiết bị y tế và vật liệu tiên tiến.

NIMP 2030 đặc biệt chú trọng đến sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) của Malaysia trong chuỗi giá trị toàn cầu, qua đó cung cấp thêm nhiều việc làm với thu nhập cao hơn cho người dân. Tổng số việc làm trong lĩnh vực sản xuất cũng dự kiến sẽ tăng lên 3,3 triệu vào năm 2030. Số liệu này dựa theo tính toán của sự gia tăng các hoạt động sản xuất tạo ra giá trị cao, sự phát triển của các ngành công nghiệp mới cũng như việc tăng cường ứng dụng tự động hóa, số hóa vào lĩnh vực sản xuất.

Tin cùng chuyên mục