Mang áo xưa về hôm nay

“Xã hội hiện đại không ai bắt mỗi ngày người ta phải mặc những chiếc áo cổ, áo dài truyền thống nhưng vẫn nên có những ngày đặc biệt để mặc, để nhớ về cội nguồn. Việt phục đang là một phong trào rất tốt ở giới trẻ. Tôi nghĩ, mọi thứ lớn lao đều có thể bắt đầu từ một phong trào. Và đích cuối cùng những dự án chúng mình làm vẫn là để người Việt thêm trân quý chiếc áo xưa, các dạng thức trang phục truyền thống”. Mặc trên mình chiếc áo dài ngũ thân, chàng trai 25 tuổi Tôn Thất Minh Khôi nói một cách nghiêm túc.

Bắt đầu từ tình yêu văn hóa truyền thống, những chiếc áo xưa của tiền nhân, cùng suy nghĩ phải làm điều gì đó, Tôn Thất Minh Khôi say sưa tìm hiểu, phục chế và lan tỏa các dạng thức trang phục cổ người Việt. Minh Khôi được biết đến nhiều khi gần đây góp phần quan trọng lan tỏa các dự án về cổ phục Việt như tổ chức Ngày hội Việt phục “Tóc xanh vạt áo” lớn nhất miền Nam.

Tôn Thất Minh Khôi (ngoài cùng bên phải) và các thầy cô 
Trường Đại học KHXH-NV TPHCM tại tọa đàm về cổ phục Việt
“Tóc xanh vạt áo” vừa được tổ chức trong tháng 3 với chủ đề “Hương sắc” không chỉ gói gọn trong lĩnh vực trang phục mà còn mở rộng về phục sức, thư pháp, sưu tầm đồ cổ, ẩm thực... Ngày hội bao gồm gian hàng của các đơn vị nghiên cứu, phục dựng văn hóa Việt của người trẻ như Hoa Niên - Năm tháng tươi đẹp (trang phục triều Nguyễn); Áo dài Năm Tuyền (áo ngũ thân ứng dụng); Phượng Điển (phục dựng trang sức của hậu phi triều Nguyễn), Chiêu Minh Các (phục dựng các loại kim khánh, kim bài)… Xuyên suốt ngày hội, các tọa đàm về lịch sử áo dài, trang phục cổ, các tiết mục trình diễn nghệ thuật truyền thống như quan họ Bắc Ninh, cải lương được tổ chức đặc biệt. Hàng ngàn bạn trẻ đã đến, tự tin khoác lên chiếc áo truyền thống cùng tìm hiểu về cổ phục.

Minh Khôi là người sáng lập Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi - một blog có gần 100.000 lượt người theo dõi, chuyên nghiên cứu văn hóa lễ nghi chốn cung đình xưa, giới thiệu các dạng thức áo cổ, áo dài ngũ thân. Minh Khôi cũng là đại diện truyền thông dự án Hoa Niên - Năm tháng tươi đẹp. Dự án phục dựng từ nguyên mẫu các trang phục cổ triều Nguyễn và dựa trên mẫu đúng kiểu cũ biến tấu màu sắc, phom dáng ứng dụng hợp thời đại…

Theo Minh Khôi, trải qua quãng thời gian dài chiếc áo ngũ thân bị mai một, khoảng 5-6 năm trở lại đây, với sự phát triển của phong trào “cổ phong”, chiếc áo này đã dần trở lại. Điều đặc biệt, phần lớn người mang áo xưa trở lại là các nhà thiết kế, thương hiệu thời trang, các hội nhóm cổ phong được điều hành bởi các bạn trẻ 9X, gen Z. “Càng đi sâu tìm hiểu các hiện vật, tư liệu, tranh ảnh… càng thấy rõ sự sâu sắc, tinh tế của người xưa đặt trong từng chiếc áo. Chúng mình có kế hoạch mang ngày hội “Tóc xanh vạt áo” đến Huế, Hà Nội với quy mô lớn hơn. Đích đến là tạo ngày hội mà nhiều người Việt mặc Việt phục cổ chuẩn”, Minh Khôi bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục