
Số báo trước chúng tôi đã thông tin về việc TPHCM đang nghiên cứu cải tiến lại mạng lưới tuyến xe buýt thành phố. Đã có nhiều bạn đọc gọi điện thoại hỏi chúng tôi về thông tin này, nhất là các đơn vị vận tải, bởi điều ấy gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh và đi lại của người dân. Để đáp ứng yêu cầu nêu trên, chúng tôi đã trao đổi với nhóm thực hiện nghiên cứu cải tiến xe buýt. Sau đây là mô hình mạng lưới tuyến xe buýt mà nhóm đề xuất thực hiện.
Mô hình mạng lưới tuyến xe buýt theo khu vực
Theo mô hình này, các phân vùng sẽ được ngăn cách bởi các tuyến đường chính, các tuyến này bao quanh và hướng vào khu vực hạt nhân, càng vào sâu bên trong thì các tuyến chính càng ít lại. Khu vực hạt nhân nằm trong vành đai 1 (khu vực trung tâm), các vành đai tiếp theo cùng các tuyến nhánh chia các phân vùng bao quanh khu vực trung tâm thành các tiểu khu vực trong cùng một nội vùng.

Mô hình mạng lưới tuyến được đề xuất
Khu vực trung tâm: giới hạn bởi các đoạn đường chính trong thành phố bao gồm các đường Tôn Đức Thắng, Bến Chương Dương, Bến Hàm Tử, (xa lộ Đông-Tây tương lai), Trần Văn Kiểu, Bình Tiên, Minh Phụng, 3 Tháng 2, Lý Thường Kiệt, Hoàng Văn Thụ, Bạch Đằng, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Điện Biên Phủ và sông Sài Gòn. Có các cửa ngõ chính là Ngã tư Hàng Xanh, Cầu Sài Gòn, Cầu Khánh Hội, Cầu Ông Lãnh, Cầu Chữ Y, Cầu Nguyễn Tri Phương, Cầu Chà Và, Ngã Sáu Cây Gõ, Ngã tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả và Ngã tư Phú Nhuận.
Đây là khu vực tập trung của các cơ sở hành chính, trung tâm thương mại dịch vụ của khu vưc. Khu vực có mật độ dân cư cao bao gồm các quận 1, 3, 5, 10 và một phần của quận 6, 11, Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh. Khu vực hạt nhân là nơi mật độ đi lại cao, là nơi thu hút các chuyến đi từ các khu vực khác đến. Ưu điểm của mạng lưới tuyến này là các tuyến khác nhau cũng không độc lập và hoạt động đơn lẻ như trong mạng song hành mà bổ trợ cho nhau một cách hợp lý. Mạng lưới này tránh xác lập các tuyến trùng nhau nhưng vươn tới mọi khu vực trong thành phố.
Tuy nhiên mô hình này còn tồn tại những nhựơc điểm như không phân biệt giữa các khu vực có sự đi lại cao hay những khu vực thu hút và phát sinh nhu cầu đi lại. Khu vực nội thành cũ là nơi phát sinh và thu hút đi lại rất lớn (5,5 triệu lượt trong tổng số 19 triệu lượt đi lại của cả khu vực mỗi ngày), khu vực phía Bắc là nơi tập trung các khu công nghiệp lớn của TPHCM và tỉnh Bình Dương, phía Tây và Tây-Bắc là hướng phát triển theo định hướng phát triển của thành phố. Việc phân cấp các tuyến, đặc biệt là các tuyến nhánh chưa rõ ràng, khó khăn cho việc tổ chức và kết hợp chặt chẽ các tuyến với nhau.
Trước đây, TPHCM cũng đã nghiên cứu đến mô hình mạng lưới tuyến xe buýt: tuyến chính-tuyến nhánh.
Đặc điểm của mạng lưới này là mạng lưới tuyến xe buýt được phân cấp, trong đó các tuyến nhánh và thu gom bổ trợ cho vài tuyến chính và mỗi phương thức hoạt động trên tuyến tùy thuộc vào thế mạnh của chính tuyến đó.
Nhóm nghiên cứu sẵn sàng tiếp thu ý kiến đóng góp của bạn đọc Báo Sài Gòn Giải Phóng để hoàn thiện đề án cải tiến mạng lưới xe buýt thành phố. Thư góp ý xin gửi về trang An toàn giao thông, Báo Sài Gòn Giải Phóng hoặc email: antoangiaothongsggp@yahoo.com |
AN NHIÊN (ghi)