
Sau thành công của phần 1 và phần 2 loạt phim truyền hình Kính vạn hoa, tên tuổi của đạo diễn phim cổ tích Minh Chung càng trở lên quen thuộc, nhất là đối với các em nhỏ tuổi học trò. Lần đầu tiên, một bộ phim truyền hình đã được một hãng phim đứng ra phát hành bằng VCD trước khi phát sóng và anh vẫn còn chút gì đó khắc khoải – một nỗi niềm…

- PV: Thành công của bộ phim Kính vạn hoa có nằm ngoài sức tưởng tượng của anh?
- Đạo diễn Minh Chung: Để tôi kể cho bạn nghe câu chuyện này. Vào một ngày, khi phần 1 Kính vạn hoa đã được phát sóng, lúc 10g30 đêm, chuông điện thoại nhà tôi đổ liên tục.
Tôi nhấc máy, giọng của một bé gái khoảng 4-5 tuổi: - ông ơi, ông cho con hỏi, ông có phải “chú đạo diễn Minh Chung” không? – Ừ, ông là “chú đạo diễn Minh Chung” đây, con cần gì? – Con muốn hỏi chừng nào đài truyền hình chiếu phần 2 Kính vạn hoa? – Khoảng 1 tuần nữa. Con cố chờ đi rồi sẽ được xem. – Con xem rồi! – Con xem ở đâu? – Dạ, hồi chiều mẹ con mua đĩa CD của Hãng phim Phương Nam đó ông, con xem hết rồi. – Vậy sao giờ này chưa chịu đi ngủ mà còn điện thoại hỏi? – Nhưng mà con còn muốn xem nữa trên ti vi cơ...
Một ngày khác, lúc 10 giờ sáng: – Alô! Dạ, con xin lỗi, cho con gặp đạo diễn Minh Chung. – Chú đây, có gì hôn? – Dạ, chú có thể thu xếp để gặp con được hôn?- Con cần gì? – Dạ, con muốn gặp chú để xin được đóng vai Quý Ròm… 15 giờ: – Xin chú cho con đóng vai Tiểu Long. 21 giờ: - Chú Chung ơi, con muốn đóng phim “Kính vạn hoa”. 18 giờ: – Chú Chung ơi, sao chú Nguyễn Nhật Ánh viết tới 45 tập mà chú làm có 20 tập thôi vậy? Tại sao chú không làm hết cho tụi con coi… 22 giờ: – Chú Chung ơi… 23 giờ: – Chú Chung ơi… Chưa bao giờ điện thoại của tôi tràn ngập âm thanh tíu tít của trẻ con nhiều đến vậy. Bạn nghĩ sao? Có ngoài sức tưởng tượng không?
- Nghe nói, ngay sau khi hoàn tất phần 2 Kính vạn hoa, Đài Truyền hình TPHCM đã đặt hàng anh làm tiếp phần 3?
- Đài truyền hình nói chuyện này một lần, nhưng trẻ con đặt hàng tới chục lần lận.
- Vậy anh có nhận lời?
- Thời gian này tôi đang tập trung cho một bộ phim khác, nên chưa thể đưa ra quyết định.
- Sau một loạt phim cổ tích dành cho thiếu nhi và Kính vạn hoa anh rút ra được bí quyết nào đem lại sự hấp dẫn cho những bộ phim dành cho lứa tuổi học trò ở Việt Nam?
- Đó là sự hồn nhiên, dí dỏm của các nhân vật trong phim. Trẻ con được xem những bộ phim giải trí mang tính giáo dục hết sức nhẹ nhàng, không áp đặt, cưỡng bức, răn đe…
- Trong những lần trò chuyện trước, anh thừa nhận mình có duyên thành công trong những thể nghiệm ở nhiều lĩnh vực: ca nhạc thiếu nhi, phim cổ tích, phim truyện… Anh có định thể nghiệm tiếp một bộ phim truyện nhựa về đề tài học trò?
- Vừa rồi có một hãng phim đã đặt vấn đề với tôi, nhưng tôi chưa dám trả lời…
- Giả sử làm, anh có nghĩ mình cũng sẽ thành công?
- Ông bà mình thường nói “nói trước bước không tới”. Ai lại mong mình thất bại? Lúc nào cũng phải cố và cố hết sức!
- Vậy tại sao anh chưa nhận lời?
- Vì tôi chưa tìm được kịch bản hợp ý mình.
- Một vài bộ phim truyện nhựa dành cho lứa tuổi học sinh gần đây theo đánh giá của giới chuyên môn cũng không đến nỗi, tuy nhiên, phát hành lại thất bại. Cá nhân anh nghĩ gì về điều này?
- Có thể một tác phẩm ra đời, không được đón nhận tốt ở thời điểm này, nhưng một lúc nào đó, nó lại được hoan nghênh. Vấn đề ở đây, không phải ai đúng, ai sai, phim hay hay phim dở, mà là vì trong thời điểm này, chúng ta chưa tìm được một đáp án chung thỏa mãn cho cả hai phía.
- Anh đã có đáp án ấy?
- Bản thân tôi cũng đang mày mò đây.
- Rõ ràng “mảnh đất” phim dành cho tuổi học trò của ta còn bỏ hoang rất nhiều? Phải chăng những đề tài này khó thực hiện hay các nhà làm phim Việt Nam không mặn mà?
- Không có một quá trình biến đổi và phát triển tâm sinh lý nào của con người lại cực kỳ khó khăn, phức tạp như ở lứa tuổi học trò. Vì thế, đúng như bạn nói, mảnh đất phim ảnh dành cho lứa tuổi này đang bị bỏ hoang. Theo tôi, dẫu thấy bị bỏ hoang, nhưng nó là một mảnh đất khá màu mỡ. Tuy nhiên, để có được một mùa màng bội thu trên mảnh đất này thì khó khăn lắm. Bản thân tôi cũng ngại…
- Cảm ơn anh và mong chờ anh tiếp tục dũng cảm khai phá mảnh đất ấy…
Hà Giang