Máy bay của “Hai Lúa” : Xin đừng quá đà

Là người làm việc trong Viện Cơ học Ứng dụng TPHCM thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chúng tôi luôn theo dõi sát sao việc chế tạo máy bay trực thăng của hai anh Trần Quốc Hải và Lê Văn Danh qua báo chí và trực tiếp quan sát tận nơi từ năm 2004. Báo chí đã dùng từ thân mật là “Hai Lúa” để nói về các anh.

Khi được biết sản phẩm trực thăng đầu tiên của “Hai Lúa” bị Huyện đội Tân Châu (Tây Ninh) tạm giữ, chúng tôi đã đến nhà của các anh nhưng không gặp. Qua tiếp chuyện với vợ anh Hải, chúng tôi được biết nhiều về các anh và việc thử nghiệm lần đầu ở rừng cao su. Khi máy bay mới khởi động thì đã văng cánh quạt. Chúng tôi đã đến Huyện đội Tân Châu để quan sát chiếc trực thăng.

Báo Sài Gòn Giải Phóng ngay sau đó đã có bài viết phản ánh ý kiến của chúng tôi về chiếc trực thăng này: khâm phục các anh tinh thần dám nghĩ, dám làm nhưng chúng tôi cũng đã khẳng định sản phẩm của các anh cũng chỉ đang dừng lại ở dạng mô hình, muốn bay được còn rất nhiều việc ngoài tầm với của hai anh.

Sau đó ít lâu qua báo chí biết được hai anh sản xuất chiếc thứ hai có cải tiến nhiều so với chiếc đầu tiên. Chúng tôi lại lên xem và trao đổi với hai anh, nhất là nêu một số vấn đề kỹ thuật. Chúng tôi đã trình bày cụ thể các ý kiến, nhận xét và khuyến cáo trong bài viết thứ hai đăng trên Báo Sài Gòn Giải Phóng. Nhưng hầu như chẳng mấy ai quan tâm đến ý kiến của chúng tôi.

Ít lâu sau hai anh được đưa lên Chương trình “Người đương thời”, được đi dự Hội nghị Nông dân tiêu biểu, được giao lưu với sinh viên khoa hàng không của Trường Đại học Bách khoa - Hà Nội.

Chúng tôi cực kỳ bức xúc khi trong Chương trình “Người đương thời” trên VTV3, một trưởng khoa của Trường ĐH Bách khoa - Hà Nội xem bản vẽ chế tạo máy bay của Hai Lúa đã khẳng định: “Đây không phải là bản vẽ chế tạo mà chỉ là bản vẽ mô hình trực thăng, nhưng qua bản vẽ thấy đầy đủ bộ phận của trực thăng. Nên tin rằng máy bay do các anh chế tạo có thể bay được”.

Là những người trực tiếp mục kích hai chiếc trực thăng, khi nghe vị trưởng khoa nói thế, chúng tôi lặng người không biết nói sao. Điều an ủi duy nhất là vị trưởng khoa chưa được mục kích sản phẩm của Hai Lúa nên mới phát biểu như thế trên truyền hình.

Khoảng đầu năm 2006, một số báo có đưa tin Bộ Quốc phòng đã cho phép máy bay trực thăng của Hai Lúa bay thử nghiệm ở độ cao ổn định 5m trong thời gian 15 phút, thời hạn thử nghiệm đến tháng 12-2006. Thậm chí trên báo Xuân Đinh Hợi của một tờ báo có hẳn một trang viết với tít: “Hai Lúa đi Úc quảng bá trí tuệ Việt Nam”.

Rất may, vừa qua được biết đã có một đoàn cán bộ của Bộ Quốc phòng đến mục kích, giám định trực thăng vận hành thử, đã có những ý kiến nhận xét, đánh giá rất chính xác. Nếu không có cơ quan chức năng trực tiếp tiếp cận thì sự việc sẽ còn diễn biến đến đâu nữa?

Gần đây, một số chuyên gia nước ngoài có đặt vấn đề vì sao các nhà khoa học Việt Nam không có khuyến cáo cần thiết trước việc “Hai Lúa” chế tạo máy bay trực thăng - một sản phẩm đòi hỏi phải dựa trên một nền khoa học công nghệ hiện đại.

Tôi thấy cần phải lên tiếng: Viện Cơ học Ứng dụng TPHCM đã quan tâm rất sớm việc chế tạo máy bay trực thăng của Hai Lúa và đã có những ý kiến đóng góp trên Báo SGGP.

Vấn đề là nhiều tờ báo của chúng ta đã đi quá đà. 

TRẦN QUỐC ANH
(Nguyên Phó Viện trưởng Viện Cơ học Ứng dụng)

Thông tin liên quan

* Bay - không phải “có gan” mà phải có căn cứ khoa học

* “Hai lúa” lên trời

* Máy bay “Hai Lúa” chưa đủ điều kiện bay

* Kiểm tra lần cuối máy bay của “Hai Lúa”

Tin cùng chuyên mục