Máy bay hoạt động nhờ... nắng

Solar Impulse, chiếc máy bay hoạt động hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời đã bay thử thành công trong 15 giờ liên tục. Các nhà sản xuất Thụy Sĩ hy vọng một ngày nào đó máy bay này sẽ bay vòng quanh trái đất.
Máy bay hoạt động nhờ... nắng

Solar Impulse, chiếc máy bay hoạt động hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời đã bay thử thành công trong 15 giờ liên tục. Các nhà sản xuất Thụy Sĩ hy vọng một ngày nào đó máy bay này sẽ bay vòng quanh trái đất.

  • Bay bằng pin năng lượng 

Nhóm nhà thám hiểm và kỹ sư thực hiện dự án Solar Impulse này đã ăn mừng một mốc quan trọng của ngành hàng không thế giới với chuyến bay dùng năng lượng mặt trời kéo dài nhất sau khi máy bay này bay liên tục trong gần 15 giờ vào tối 7-7 (xem video clip tại www.solarimpulse.com/nightFlights).

Chiếc máy bay cất cánh từ sân bay Payerne vào bầu trời trong xanh ngay trước 7 giờ sáng 7-7, thời điểm cho phép máy bay nhận được nhiều ánh nắng mặt trời nhất và bay một vòng nhẹ nhàng trên dãy núi Jura phía Tây rặng Alps Thụy Sĩ. Khi mặt trời lặn, Solar Impulse dùng bộ pin – được sạc từ 12.000 tế bào quang điện lắp trên cánh và thân máy bay – để chạy 4 động cơ giúp máy bay bay qua đêm. Bộ pin sẽ được sạc lại vào lúc bình minh.

Solar Impulse hoạt động bằng năng lượng mặt trời.

Solar Impulse hoạt động bằng năng lượng mặt trời.

Viên phi công Borschberg lái chiếc máy bay bay quanh không phận Thụy Sĩ, đầu tiên ở độ cao 8.535m, sau đó nhẹ nhàng hạ xuống thấp khi màn đêm bao trùm nhưng luôn ở trong vùng hạ cánh của sân bay Payerne, để có thể dễ dàng tiếp đất nếu máy bay hết năng lượng. Cựu phi công máy bay chiến đấu Thụy Sĩ này năm nay 57 tuổi, có mang theo dù đề phòng bất trắc.

Với mục tiêu bay 24 giờ không nghỉ, vào ngày 8-7, nhóm tiếp tục thử nghiệm chiếc máy bay một chỗ ngồi, sải cánh 63m, tốc độ tối đa 120km/giờ và không có chỗ cho hành khách hoặc hành lý để máy bay nhẹ và hoạt động có hiệu quả nhất. Phi công Andre Borschberg “sẽ ở trên không càng lâu càng tốt”, người đồng sáng lập dự án, Bertrand Piccard cho AP biết. Nhóm nghiên cứu đã định thực hiện chuyến bay thử nghiệm dài 24 giờ từ tuần trước, khi ngày ở Bắc bán cầu kéo dài hơn. Tuy nhiên, có vấn đề quan trọng với một thiết bị truyền thông buộc họ phải dời đến tuần này.

  • Tương lai cho chuyến bay xuyên Đại Tây Dương

Piccard, người đứng đầu dự án này, sẽ là một trong 2 phi công của chuyến bay vòng quanh thế giới vào năm 2013, với dự kiến 5 điểm dừng trên hành trình. Piccard nói, thử nghiệm các chuyến bay đêm là bước quan trọng nhằm đạt mục tiêu cuối cùng. “Mục tiêu của dự án là có một máy bay hoạt động bằng năng lượng mặt trời bay được cả ngày và đêm mà không cần nạp nhiên liệu. Chuyến bay này rất quan trọng đối với độ tin cậy của dự án”, ông nói. Theo Piccard, chuyến bay thử nghiệm này sẽ chứng minh chuyến bay vòng quanh thế giới là khả thi.

Phi công Andre Borschberg trong buồng lái trao đổi với Bertrand Piccard trước khi cất cánh. Ảnh: REUTERS
Phi công Andre Borschberg trong buồng lái trao đổi với Bertrand Piccard trước khi cất cánh. Ảnh: REUTERS

Piccard, từng lập kỷ lục lần đầu tiên bay vòng quanh thế giới không nghỉ bằng khí cầu Breitling Orbiter III vào năm 1999, cho biết bước tiếp theo sẽ là chuyến bay dùng năng lượng mặt trời xuyên Đại Tây Dương. Điều đó sẽ được thực hiện với một mẫu thử nghiệm thứ hai, nhẹ hơn bởi vì sẽ có những thách thức mới và nguy hiểm hơn.

Nhóm nghiên cứu cho biết công nghệ năng lượng mặt trời chưa thể thay thế động cơ đẩy phản lực thông thường trong tương lai gần. Thay vào đó, dự án được thiết kế để thử nghiệm và thúc đẩy các công nghệ mới nhằm sử dụng hiệu quả năng lượng mặt trời

TRÂN NGUYÊN 

Tin cùng chuyên mục