Máy bay xếp hàng chờ cất cánh tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) vừa có ý kiến trả lời về việc tại Cảng hàng không Quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất máy bay phải xếp hàng dưới mặt đất để chờ cất cánh. Nhiều hành khách bức xúc phản ánh đã vào máy bay, máy bay di chuyển ra đường lăn nhưng phải chờ thêm vài chục phút, thậm chí hàng giờ mới được bay.

Theo VATM, việc các máy bay thường xuyên bị trì hoãn, chậm trễ trong quá trình di chuyển và xếp hàng để cất cánh trên mặt đất tại CHKQT Tân Sơn Nhất chủ yếu là do năng lực bị giới hạn bởi mô hình cấu trúc cơ sở hạ tầng đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ.

Cụ thể, CHKQT Tân Sơn Nhất hiện có 2 đường cất - hạ cánh song song, theo mô hình được xây dựng từ năm 1967 và được sử dụng theo chế độ khai thác phụ thuộc vào nhau. Tuy nhiên, do khoảng cách giữa trục tim hai đường cất hạ cánh không đáp ứng tiêu chuẩn khai thác độc lập nên chỉ cho phép duy nhất một máy bay được cất cánh hoặc hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất trong cùng một thời điểm.

Vào những khung giờ cao điểm có nhiều máy bay đi, đến CHKQT Tân Sơn Nhất, đơn vị không lưu phải áp dụng các biện pháp sắp xếp, điều tiết thứ tự của các chuyến bay cất cánh và hạ cánh một cách hợp lý, hiệu quả, đảm bảo phân cách an toàn giữa các máy bay trên không cũng như dưới mặt đất.

Hiện diện tích CHKQT Tân Sơn Nhất chỉ còn 1/4 đến 1/5 so với thời kỳ năm 1975 do sự phát triển đô thị hóa và đang bị bao quanh bởi các khu vực dân cư đông đúc, do đó, rất khó có thể triển khai thực hiện các hạng mục cải tạo, mở rộng và nâng cấp lớn liên quan đến hạ tầng đường cất hạ cánh để đáp ứng được yêu cầu hoạt động bay ngày càng tăng cao.

Đặc biệt, cấu trúc hệ thống đường lăn, sân đỗ tại CHKQT Tân Sơn Nhất theo dạng xương cá về hai bên của đường lăn và các đường lăn chính chủ yếu là đường lăn “độc đạo” đã gây khó khăn cho việc di chuyển của các máy bay. Chưa kể các đường lăn thoát ly cho máy bay hạ cánh được thiết kế trước năm 1975 hiện nay đã không còn phù hợp với các loại máy bay mới thường có kích thước và tải trọng lớn hơn nhiều so với các loại máy bay khai thác trước năm 1975.

Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam sẽ thực hiện các giải pháp như xây dựng bổ sung các đường lăn song song mới với các đường lăn “độc đạo”; quy hoạch và sắp xếp lại vị trí các khu vực bến đỗ máy bay và đường lăn; đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3; đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo số liệu thống kê, sản lượng hành khách thông qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trong năm 2018 đã đạt 38,5 triệu hành khách, gấp 1,5 lần và vượt xa so với công suất thiết kế 25 triệu hành khách/năm. Tổng số lượt chuyến bay cất hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất trung bình đạt hơn 700 chuyến bay/ngày. Năng lực thông qua đường cất hạ cánh hiện đang được điều phối 44 chuyến bay/giờ, tức trung bình cứ 1 phút 20 giây lại có một máy bay cất hoặc hạ cánh.

Tin cùng chuyên mục