Gặp em ngày nắng vừa là sự mô tả, vừa là sự sẻ chia những quan điểm và tôn trọng mọi góc nhìn. Ở đó không có đúng sai, chỉ có tâm thế của mỗi người trước vấn đề của đời sống và ứng xử sao cho chu toàn nhất. Và hơn tất cả, bằng những tình huống bình dị đời thường, chuyện phim khiến cho người trẻ nghĩ sâu hơn, người già nghĩ thoáng hơn, họ soi vào những quan điểm của nhau để điều chỉnh và hoàn thiện chính mình.
Trong khoảnh khắc năm cũ qua đi, năm mới đến, bộ phim gợi nhắc mỗi người nghĩ về gia đình, chiêm nghiệm về thời gian, về sự hữu hạn và tiếp nối của đời người, đồng thời, cũng tự nhắc mình cần trân trọng hơn những gì cốt lõi làm nên hạnh phúc.
Phim tái hiện không khí ngày tết với những tất bật lo toan từ người trẻ tới người già và những nỗi niềm rất đỗi cá nhân nhưng không hề cá biệt. Đó có thể là bận rộn mưu sinh đến nỗi không còn quỹ thời gian để dành cho một mối tình, hay tưởng như khát khao kiếm tiền bằng mọi giá nhưng cuối cùng vẫn từ bỏ tất cả để đánh đổi một phút giây đoàn viên đêm giao thừa với cha mẹ; là bác tài xế ở lại thành phố để hướng đến một cái tết đầy đủ hơn cho vợ con; là bà mẹ thấy mình như gánh nặng của con cái, cản trở hạnh phúc của họ...
Mỗi một cảnh ngộ, mỗi một nỗi niềm đều hiện ra bình dị, để mỗi người nhìn vào thấm thía hạnh phúc của mình hơn, cũng học lại bài học về sự sẻ chia và thấu hiểu; học lại sự quý giá của đời sống để bớt hời hợt mà sống hết lòng hơn. Và hơn tất cả, câu chuyện lan tỏa một tình người ấm áp như nắng ngày xuân về.