
Hai quyển sách tranh “Mẹ vắng nhà” và “Trẻ em trong ngọn lửa chiến tranh” của họa sĩ Nhật Bản Chihiro Iwasaki đã được ấn hành lần đầu tiên bằng tiếng Việt, từ sự hỗ trợ của Quỹ Tưởng niệm họa sĩ Chihiro Iwasaki và Nhà xuất bản Phụ Nữ.
Với ý nghĩa từ thiện, số tiền sau khi bán sách sẽ được trao tặng cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Buổi lễ giới thiệu sách ở Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ vừa qua đã thể hiện tình cảm hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam.
Điều bất ngờ nhất, trong đó có cuộc hội ngộ giữa con trai, con dâu cố họa sĩ Chihiro Iwasaki và ba người con của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Thị Út (Út Tịch).

Ông Matsumoto Takashei (thứ 2 từ trái sang) tại buổi gặp mặt 3 người con chị Út Tịch.
Vào những năm đầu thập niên 70, bắt gặp tác phẩm của Nguyễn Thi qua bản dịch của phóng viên Isao Takano, nữ họa sĩ Chihiro Iwasaki thực sự cảm thông sâu sắc nỗi khốn khổ của trẻ em Việt Nam. Sự đồng cảm của bà còn xuất phát từ nỗi đau nạn nhân trẻ em Nhật Bản bị biến dạng vì quả bom nguyên tử nổ trên thành phố Hiroshima, Nagasaki.
Ông Matsumoto Takashei, con trai của cố họa sĩ Chihiro Iwasaki, đồng thời cũng là Giám đốc Bảo tàng nghệ thuật mang tên bà đã nhắc lại tình cảm của mẹ ông khi bà vẽ minh họa tác phẩm “Mẹ vắng nhà”: “…Mẹ tôi từng hình dung đến người mẹ Việt Nam mỗi khi đi đánh giặc về đã mang bánh treo trên đầu súng thật lạc quan. Bọn trẻ ở nhà chờ mẹ, có đứa leo ngọn dừa, có đứa chơi trò đánh giặc, thật lạ lùng…”.
Ông cũng bày tỏ suy nghĩ mong muốn thực hiện tâm nguyện của mẹ ông là cố gắng làm được những điều hữu ích, giúp trẻ em vượt lên những nỗi bất hạnh vì chiến tranh và đặc biệt là các em phải gánh chịu hậu quả nặng nề, đau đớn do bị nhiễm chất độc da cam…
Trò chuyện với những người con của chị Út Tịch, ông nói nếu mẹ ông còn sống đến ngày nay chắc sẽ đi thăm Việt Nam và nhất là thăm gia đình chị Út Tịch ở Tam Ngãi - Cầu Kè. Còn chị Lâm Thị Mỹ Thanh, người con gái thứ hai của chị Út Tịch đã chỉ cho ông Matsumoto Takashei biết mình là nhân vật nào trong những bức vẽ sách tranh “Mẹ vắng nhà”.
Chị kể chuyện: “Đó là hình ảnh rất chân thực và sống động của chị em tụi tôi. Hồi đó sau khi đánh trận trở về, mẹ tôi và mấy cô du kích như dì Hồng đã nấu cơm, nấu khoai lang cho tụi tôi. Hồi nhỏ, lúc má còn sống, tụi tôi hay “cà nanh” với nhau về má. Ba, má mất hết rồi, tụi tôi thật thiếu thốn tình thương, chỉ biết nghe lời chị Hai và bà con, cô bác dạy bảo…”.
Anh Lâm Thanh Hiển (cu Hiển ngày xưa, giờ đã là người đàn ông 46 tuổi) bày tỏ: “Tôi rất vui khi được nhiều người biết về gia đình mình. Dạo trước coi phim “Mẹ vắng nhà”, tôi thấy mấy chú nhỏ đóng phim giống tụi tôi lắm. Coi tranh họa sĩ Chihiro Iwasaki, tôi thấy bà vẽ tụi tôi thật dễ thương. Thú thật, lớn lên tôi thực sự tự hào về tinh thần yêu nước của cha mẹ và rất ý thức phải dạy dỗ con cái mình sau này giữ gìn truyền thống tốt đẹp của ông bà…”.
Thật cảm động khi những người con đã kể về mẹ của họ bằng tình cảm thương yêu quý trọng. Như từ những trang sách của nhà văn Nguyễn Thi bước ra, ba người con của chị Út Tịch: Lâm Thị Mỹ Thanh, Lâm Thanh Hiển, Lâm Thanh Hùng đã gặp gỡ con trai bà Chihiro Iwasaki, nữ họa sĩ giàu lòng nhân ái đã vẽ những bức tranh về họ thật trìu mến…
Kim Ửng