Miền Trung: Dang dở những công trình dân sinh

Nhiều công trình dân sinh thi công “rùa bò” hoặc đầu tư dang dở kéo dài tại nhiều địa phương miền Trung khiến dư luận bức xúc, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.

Dự án đê biển Nghi Xuân (Hà Tĩnh) dài 10km nối từ xã Cổ Đạm đến xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân) với kinh phí hơn 370 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và nguồn huy động hợp pháp khác. Dự án nhằm đảm bảo an toàn trong phòng chống thiên tai, bảo vệ cuộc sống cho hàng ngàn người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, giao thông vùng ven biển. Giai đoạn 1 của dự án (dài 5km với kinh phí 155 tỷ đồng) triển khai trên địa bàn xã Cương Gián đã hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2020, nhưng giai đoạn 2 (dài 5km) nối từ xã Cổ Đạm đến thôn Song Hải vẫn chưa được triển khai, khiến công trình dang dở, người dân sống thấp thỏm, lo âu khi mùa mưa bão đang đến gần. 

Nhà thầu đẩy mạnh thi công dự án vành đai phía Tây Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Ông Lê Văn Thanh, trú thôn Song Hải, xã Cương Gián, cho biết, tại Km32+693.87, tuyến đê bị cụt, xung quanh nham nhở vữa xi măng và đá lởm chởm khiến người và phương tiện lưu thông đến đây buộc phải quay đầu hoặc rẽ vào đường thôn. Chưa kể, khu vực đê cụt chưa có hệ thống đèn chiếu sáng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. 

Dự án đê biển Nghi Xuân mới chỉ được phân bổ 155 tỷ đồng, vì thế sau khi kết thúc giai đoạn 1, dự án phải dừng chờ vốn 2 năm nay. Bà Lê Thị Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián, cho biết, tại các buổi tiếp xúc cử tri, địa phương nhiều lần kiến nghị, đề xuất sớm đầu tư kinh phí để đẩy nhanh triển khai thi công giai đoạn 2 nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão và để người dân yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh. Ông Trần Nguyên Ngọc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Nghi Xuân, cho biết, đã đề nghị tỉnh nhưng đến nay giai đoạn 2 của dự án vẫn chưa được phê duyệt kinh phí.

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, dự án cầu bắc qua sông Lợi Nông (TP Huế) đang được Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị HĐND tỉnh này ban hành nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư, hoàn chỉnh đường dẫn 2 đầu cầu theo quy hoạch, bổ sung thêm 68 tỷ đồng. Một cán bộ Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, dự án cầu bắc qua sông Lợi Nông được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư 32 tỷ đồng, giao Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư, liên danh Công ty CP Cầu 1 Thăng Long và Công ty CP Quản lý đường bộ và xây dựng công trình Thừa Thiên - Huế là nhà thầu thi công. Dự án dù hoàn thành phần thô hạng mục cầu và hạng mục kè đá với khối lượng đạt 16,34 tỷ đồng từ đầu năm 2019, nhưng đến nay chưa thể đưa vào sử dụng vì thiếu đường dẫn lên cầu. 

Công trình tuyến đường vành đai phía Tây (Đà Nẵng) có tổng mức đầu tư hơn 1.427 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2021, nhưng đến nay vẫn dang dở. Ông Nguyễn Minh Huy, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng, cho biết, ban quản lý đã làm việc với đơn vị liên quan để yêu cầu chấm dứt hợp đồng nhà thầu phụ vì thi công chậm trễ và thay nhà thầu mới để thúc đẩy tiến độ thi công. Theo ông Huy, tiến độ thi công tổng công trình đến nay ước đạt 70%. Ban quản lý đang chỉ đạo nhà thầu tập trung thi công; phải hoàn thành toàn bộ các hạng mục tối đa 6 tháng kể từ ngày bàn giao mặt bằng. 

Thu hồi hàng loạt dự án chậm tiến độ

Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê TP Đà Nẵng, cho biết, 4 tháng đầu năm 2022, khối lượng đầu tư thực hiện nguồn vốn ngân sách do địa phương quản lý ước đạt 979,8 tỷ đồng, đạt 15% kế hoạch vốn cả năm 2022. Trong đó, vốn Trung ương hỗ trợ theo mục tiêu chỉ mới đạt 0,68% kế hoạch, chủ yếu do các dự án liên vùng không giải ngân được và triển khai thi công còn hạn chế như: dự án tuyến đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan; nâng cấp cải tạo đường ĐT601; tuyến đường vành đai phía Tây đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh… 

Từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra quyết định thu hồi, chấm dứt hoạt động 62 dự án chậm tiến độ. Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, các nhà đầu tư chưa nắm rõ quy trình, thủ tục nên đề xuất tiến độ dự án chưa phù hợp; một số nhà đầu tư chưa đủ kinh nghiệm và năng lực.
XUÂN QUỲNH - VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục