Vi phạm luật quốc tế
Người Phát ngôn của Tổng thống Palestine, ông Nabil Abu Rdeineh tuyên bố động thái trên chỉ “kích động và gây mất ổn định” khu vực, đồng thời bác bỏ vai trò của Mỹ là nhà trung gian hòa giải trong tiến trình hòa bình Trung Đông và khẳng định với bước đi này, chính quyền Mỹ đã từ bỏ vai trò của mình trong tiến trình hòa bình.
Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki cho rằng, Mỹ dường như đang soạn thảo một kế hoạch để Palestine đầu hàng Israel thay vì một kế hoạch hòa bình. Phát biểu tại một cuộc họp không chính thức của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) về các khu định cư của Israel tại vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, ông al-Maliki nêu rõ trước khi công bố kế hoạch, Mỹ đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và mở cửa đại sứ quán ở đây. Theo ông Maliki, tất cả các quyết định mà chính quyền Mỹ đưa ra đến nay đã chứng thực rằng Mỹ không quan tâm tới cuộc sống và các quyền của người Palestine cũng như luật pháp và sự đồng thuận quốc tế.
Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Abul Gheit đã chỉ trích các nước tham gia buổi lễ mở cửa Đại Sứ quán Mỹ tại Jerusalem. Theo ông, động thái này của Mỹ là “bước đi cực kỳ nguy hiểm, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc”. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, Moscow phản đối việc Mỹ chuyển đại sứ quán tới Jerusalem cũng như phản đối mọi hành động đơn phương thay đổi các nghị quyết quốc tế liên quan đến địa vị của Jerusalem. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng cho rằng quyết định của Mỹ chuyển đại sứ quán tới Jerusalem vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là các nghị quyết của HĐBA LHQ.
Các lãnh đạo Hồi giáo của Ai Cập cũng chỉ trích quyết định trên của Mỹ, coi việc Washington chuyển đại sứ quán tới Jerusaelm là hành động khiêu khích tới 1,5 tỷ tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Iran đã kêu gọi cộng đồng Hồi giáo đoàn kết chống lại quyết định trên của Mỹ, đồng thời cảnh báo hậu quả có thể xảy đến từ quyết định trên.
Hậu quả khó lường
Vấn đề quy chế của thành phố Jerusalem lâu nay là chủ đề đặc biệt nhạy cảm và là trung tâm của cuộc xung đột Israel - Palestine. Israel chiếm giữ khu vực Đông Jerusalem trong cuộc chiến năm 1967, sau đó sáp nhập vùng đất này và tuyên bố toàn bộ thành phố Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của Israel. Cộng đồng quốc tế không công nhận động thái này của Israel, trong khi người Palestine luôn xác định Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai.
Tháng 12-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và tuyên bố dời đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem, một quyết định khiến Palestine cắt đứt gần như tất cả các quan hệ ngoại giao với Mỹ. Tiếp đó, trong năm 2018, Mỹ đã ngừng cung cấp tài chính cho các hoạt động nhân đạo đối với người tị nạn Palestine, làm ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hiệp quốc (UNRWA). Vừa qua, Mỹ tiếp tục cắt giảm hàng trăm triệu USD tài trợ cho Palestine trong chương trình hỗ trợ giải quyết xung đột với Israel.
Tiếp đến, động thái của Mỹ sẽ làm gia tăng căng thẳng mối quan hệ vốn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa hai đối tác trong tiến trình hòa bình Trung Đông là Israel và Palestine. Trong gần một năm qua, khu vực chứng kiến nhiều cuộc biểu tình và xung đột bạo lực giữa Isreal và Palestine tại Dải Gaza, khiến hàng trăm người thương vong. Dự báo, trong thời gian tới, làn sóng phản ứng của người Palestine sẽ chưa dừng lại, thậm chí còn bị đẩy lên cao hơn và tình trạng bạo lực có thể leo thang căng thẳng, nhấn chìm triển vọng hòa bình cho xung đột tại Trung Đông.