Mờ nhạt ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn

Cách đây 5 năm (tháng 3-2013), sự ra đời của Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM đã thổi luồng gió mới vào hoạt động KH-CN của TPHCM. 
Ở đó có nhiều chuyên gia tâm huyết, nhiều ý tưởng, nhiều mục tiêu và cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của lãnh đạo thành phố để hình thành và thúc đẩy ngành công nghệ đầy chất xám này. Nhưng giờ đây, nhiều dự định trong số đó có nguy cơ đứt gánh giữa đường. 
Đã từng hừng hực khí thế
Theo quyết định thành lập Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM, hội là một tổ chức xã hội tự nguyện của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, phổ biến, ứng dụng, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngành vi mạch bán dẫn tại TPHCM nhằm tập hợp, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn ngành vi mạch bán dẫn góp phần thực hiện mục tiêu phát triển khoa học kỹ thuật và kinh tế - xã hội tại thành phố.
Với tinh thần đó, ngay sau khi hội ra đời, hàng loạt hoạt động trong lĩnh vực vi mạch gắn liền với Chương trình phát triển công nghệ vi mạch của TPHCM giai đoạn 2013 - 2020 được tổ chức, đã thổi lên những hy vọng, ngọn lửa nhiệt huyết của giới làm vi mạch. Vẫn còn nhớ ngày công bố thành lập hội (15-3) rộn rã tiếng cười. Tại đây, Ban Cơ yếu Chính phủ, Học viện Kỹ thuật quân sự (Bộ Quốc phòng), Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tổng tham mưu), Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cùng Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TPHCM đã ký kết hợp tác về đào tạo nhân lực, nghiên cứu, phát triển sản phẩm vi mạch, tạo dựng thế vững chắc cho ngành vi mạch đầy non trẻ tại Việt Nam. 
Song song đó, từ thực tế nghiên cứu và chế tạo của các chuyên gia, trong giai đoạn 2012 - 2017, TPHCM đã cấp kinh phí cho 18 đề tài, dự án nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm với kinh phí trên 68 tỷ đồng (11 đề tài, dự án đã nghiệm thu và 7 đề tài, dự án đang triển khai); đã tạo ra được chip vi xử lý 8 bit RISC thương mại SG-8V1, là sản phẩm chip vi xử lý đầu tiên của Việt Nam được chính thức đưa ra thương mại có khả năng cạnh tranh về giá lẫn tính năng. Gần như ngay sau đó, hàng loạt sản phẩm ứng dụng chip thương mại SG-8V1 được giới thiệu trên thị trường như: Điện kế điện tử 1 pha SEM1-MD; Modem thu thập dữ liệu DCM; Điện kế điện tử 3 pha SEM3-MC; Thiết bị đọc dữ liệu điện kế HHU… 
Kế thừa SG-8V1, những sản phẩm vi mạch khác đầy tiềm năng chip Sigma K3, chip VN 16-32, chip HF-RFID, chip sinh học… cũng lần lượt ứng dụng thử nghiệm trên nhiều sản phẩm thông minh khác như đồng hồ điện tử, khóa container, hộp đen xe hơi và xe máy. 
Mờ nhạt ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn ảnh 1 Chip cảm biến áp suất dùng để đo mực nước được giới thiệu tại Diễn đàn MEMS/Sensor, một sản phẩm của chương trình vi mạch TPHCM
Im ắng chờ lãng quên
Tuy nhiên, sự rộn rã nói trên chỉ tồn tại trong khoảng thời gian đầu. 2 năm gần đây, ngành vi mạch bán dẫn TPHCM đầy yên ắng. Hoạt động đáng kể nhất gần đây là vào tháng 11-2017, chương trình phát triển công nghệ vi mạch mới được được khơi gợi trở lại trong Diễn đàn MEMS/Sensor TPHCM với chủ đề “Cảm biến/MEMS giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Việt Nam” được tổ chức tại TPHCM. Điều đáng nói là chương trình này chỉ do Khu Công nghệ cao TPHCM khởi xướng, trong khi Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TPHCM bỏ quên vai trò. 
Cũng cần biết rằng, trước đó 3 tháng, TPHCM đã phê duyệt “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn đến 2030” với 8 dự án, đề án. Chương trình phấn đấu đến năm 2020 phát triển công nghiệp vi mạch điện tử thành phố trở thành một ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, làm nền cho sự phát triển chung và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng đô thị thông minh. Thêm một lần nữa, chương trình là một cụ thể hóa cho chủ trương của lãnh đạo thành phố luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và cảm biến, thông qua kêu gọi hợp tác, đầu tư, chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất, chế tạo, đóng gói, kiểm định và thương mại hóa linh kiện vi cơ điện tử. Và lớn hơn, Chính phủ cũng đã đồng ý để TPHCM chủ trì việc nâng cấp chương trình vi mạch của TPHCM lên cấp quốc gia…
Như vậy, kỳ vọng chương trình vi mạch sẽ tiến xa hơn vẫn còn đó. Song đáng lo là những chuyên gia đầy tâm huyết, tuy vẫn còn hoạt động trong ngành, nhưng gần như tắt lửa. Và cho dù, Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TPHCM chỉ là một tổ chức xã hội tự nguyện nhưng vài năm qua im ắng gần như không có hoạt động thì phần nào đó cũng phản ánh sinh khí của ngành. Nên có lẽ, nếu không có sự quan tâm nhiều hơn, những người tâm huyết, am hiểu vi mạch không ngồi lại với nhau để thực hiện nhiệm vụ thì chương trình vi mạch của TPHCM cũng rất dễ bị lãng quên. Lãng quên đến nỗi đúng ngày thành lập hội, GS Đặng Lương Mô, người tâm huyết nhất với ngành vi mạch TPHCM, đã nhắn tin “Có nhớ hôm nay là ngày gì không?”, người viết mới giật mình nhớ lại!

Tin cùng chuyên mục