
Thị thực (visa) cho người nước ngoài xin vào học tại các trường đại học Indonesia vừa được nới lỏng trong nỗ lực thu hút nhiều sinh viên quốc tế tới nước này. Bộ trưởng Bộ Nghiên cứu, Công nghệ và Giáo dục đại học Indonesia Mohamad Nasir cho biết trên tờ Jakarta Post rằng, số lượng sinh viên nước ngoài đến Indonesia còn khá khiêm tốn, chỉ có khoảng 5.700 sinh viên, trong khi hơn 28.800 sinh viên Indonesia hiện đang du học nước ngoài.
Tổng giám đốc Văn phòng di trú Indonesia Ronny F. Sompie nói rằng, chính sách mới cho phép sinh viên nước ngoài nộp đơn trực tuyến để lấy visa và giấy phép lưu trú. Chính phủ sẽ giám sát việc thực hiện chính sách này và các cải tiến cần thiết, chẳng hạn như giảm bớt thủ tục gia hạn visa và triển khai visa dài hạn.
Trước đó, Cơ quan Xuất nhập cảnh Indonesia thông báo dịch vụ trực tuyến giúp đỡ người nước ngoài xin giấy phép lưu trú tạm thời sẽ bắt đầu vào tháng 2-2016. Thay đổi này sẽ đơn giản hóa quá trình nộp đơn xin giấy phép cho 68.000 người nước ngoài và sinh viên nước ngoài nhập cảnh vào Indonesia mỗi năm. Theo dịch vụ trực tuyến này, người nước ngoài sẽ không phải đến văn phòng di trú và điền vào các mẫu đơn mà thủ tục giấy tờ có thể được xử lý thông qua trang web của văn phòng xuất nhập cảnh.
Cùng với việc đơn giản hóa thủ tục cho những người cư trú dài hạn và sinh viên nước ngoài, Indonesia cũng đã bắt đầu thực hiện chính sách miễn thị thực cho 84 quốc gia trong năm 2016, nâng tổng số nước được miễn thị thực vào Indonesia lên 174 với thời hạn có thể ở lại Indonesia lên đến 30 ngày. Chính phủ Indonesia xem đây là cách phát triển du lịch và thu hút đầu tư.

Du khách nước ngoài đến Indonesia bất chấp lo ngạivề an ninh
Mặc dù vậy, trong bối cảnh đe dọa khủng bố đang tăng lên, nhất là sau vụ tấn công khủng bố hàng loạt ở thủ đô Jakarta trung tuần tháng 1-2016, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Arrmanatha Nasir cho biết, chính phủ sẽ duy trì các thủ tục an ninh thích hợp liên quan đến chính sách miễn visa. Chuyên gia Đại học Quan hệ quốc tế Indonesia Hikmahanto Juwana cho biết, chính phủ cần phải thận trọng và chọn lọc hơn với các nước miễn visa. “Đối với Indonesia, mặc dù du lịch là quan trọng, vẫn phải thận trọng về an ninh và kinh tế”, ông nói. Ông Hikmahanto cũng cảnh báo chống lại việc miễn visa cho công dân các nước thường có công dân tham gia vào các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia. Hơn nữa, theo ông, chính phủ cũng nên cẩn thận với công dân các nước muốn xem Indonesia là nước quá cảnh để nhập cảnh bất hợp pháp vào Australia.
Tổng thống Joko Widodo cho biết, ông không lo lắng về chính sách miễn visa ảnh hưởng đến an ninh. Ông dẫn chứng các nước láng giềng của Indonesia như Singapore và Malaysia đã miễn phí visa cho công dân của hơn 170 quốc gia nhưng vẫn an toàn và không rối loạn về an ninh.
Miễn visa đang trở thành xu thế của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Indonesia, để thu hút du khách và đầu tư. Điều này cho thấy, xu thế hội nhập và hợp tác vẫn chiếm ưu thế trên toàn cầu bất chấp những biến động về di dân và khủng bố.
THỤY VŨ