Mở và siết

Nhằm hội nhập sâu với kinh tế thế giới, cũng như tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN), năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ. Sự ra đời của Nghị định 51 được coi là bước cải cách đột phá trong quản lý thuế với việc cho phép DN, tổ chức đủ điều kiện được tự in hoặc đặt in hóa đơn để sử dụng, thay vì phải mua hóa đơn của cơ quan thuế như trước đây. Bên cạnh đó, Nghị định 51 sau khi đi vào đời sống cũng đã hạn chế tình trạng gian lận thuế, chiếm đoạt tiền thuế thông qua sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, vốn trở thành vấn đề nhức nhối trước đó. Thế nhưng, sau gần 3 năm thực hiện, với sự thông thoáng trong việc cho phép DN được tự in hóa đơn hoặc đặt in hóa đơn, cũng như sự dễ dàng trong việc thành lập DN, nhiều đối tượng làm ăn bất chính đã thành lập DN “ma” để buôn bán hóa đơn nhằm chiếm đoạt thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước. Trước tình trạng này, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ Tài chính, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, đang đề xuất Chính phủ siết chặt việc in hóa đơn của DN mới thành lập bằng việc sửa đổi Nghị định 51 theo hướng phân loại DN có vốn trên 15 tỷ đồng được tự in hóa đơn. Những DN thương mại, thường xuyên thay đổi địa chỉ thì trong 1 năm đầu phải mua hóa đơn từ cơ quan thuế địa phương.

Hướng sửa đổi mà Tổng cục Thuế đưa ra lại gây ra sự lo lắng đối với các DN làm ăn chân chính. Ông Nguyễn Thái Linh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy vi tính Liên Sơn, cho rằng, lý do Tổng cục Thuế đưa ra trong việc siết chặt in hóa đơn là để ngăn chặn tình trạng hóa đơn giả, hóa đơn bất hợp pháp sẽ khó có hiệu quả. Bởi lẽ, việc mua hóa đơn từ cơ quan thuế với mẫu chung, không có đặc thù và thông tin riêng của DN sẽ làm tình trạng buôn bán hóa đơn giả dễ hơn. Vì đối với các DN làm ăn không chân chính khi họ mua hóa đơn về không sử dụng mà bán lại cũng là hóa đơn bất hợp pháp.

Ngoài ra, việc siết chặt in hóa đơn theo hướng phân loại DN có vốn điều lệ lớn, nhỏ và thời gian hoạt động sẽ gây khó khăn cho các DN, nhất là các DN vừa và nhỏ, DN mới thành lập. Bởi lẽ, DN vừa và nhỏ có vốn điều lệ dưới 15 tỷ đồng hiện nay ở Việt Nam chiếm tỷ lệ rất lớn. Do đó, việc quy định DN vốn điều lệ dưới 15 tỷ đồng và hoạt động dưới 1 năm sau khi thành lập phải mua hóa đơn của cơ quan thuế coi như là một sự phân biệt đối xử. Vì với các DN mới thành lập, họ cần thời gian để xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu của mình trên thị trường thông qua việc in logo, slogan trên hóa đơn.

Để hạn chế tình trạng sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn bất hợp pháp, Tổng cục Thuế cần đánh giá lại nguồn gốc xuất phát, để từ đó ban hành văn bản quản lý phù hợp chứ không phải làm theo kiểu mở ra rồi khi quản không được thì siết lại, gây ảnh hưởng chung cho nhiều đối tượng. Có chăng thì sử dụng biện pháp DN mới thành lập dưới 6 tháng phải đăng ký với cơ quan thuế để đặt in hóa đơn. Bên cạnh việc quản lý in hóa đơn, Nhà nước cần kiểm soát lại vấn đề thành lập DN để tránh tình trạng các đối tượng lợi dụng kẽ hở luật pháp thành lập DN làm ăn bất chính. Người mua hóa đơn cần nâng cao ý thức trong việc phát hiện hóa đơn giả để các đối tượng làm ăn bất hợp pháp không còn đất sống.

GIANG ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục