Mồng ba tết thầy

“Tôn sư trọng đạo” là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, được vun đắp qua nhiều thế hệ, góp phần tạo nên nền văn hiến Việt Nam với bề dày hàng nghìn năm lịch sử. Từ xưa đến nay, nghề giáo luôn được xã hội tôn vinh là nghề cao quý. Trong điều kiện hiện nay, cùng với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam của toàn Đảng, toàn dân ra, thì hơn bao giờ hết truyền thống đó càng cần được phát huy.
Mồng ba tết thầy

“Tôn sư trọng đạo” là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, được vun đắp qua nhiều thế hệ, góp phần tạo nên nền văn hiến Việt Nam với bề dày hàng nghìn năm lịch sử. Từ xưa đến nay, nghề giáo luôn được xã hội tôn vinh là nghề cao quý. Trong điều kiện hiện nay, cùng với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam của toàn Đảng, toàn dân ra, thì hơn bao giờ hết truyền thống đó càng cần được phát huy.

I.“Không thầy đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” có lẽ là những lời mà bất cứ ai cũng đều ghi nhớ, bởi đó là những câu có ý nghĩa nhất về truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta. Người thầy được đặt vào vị trí xứng đáng trong xã hội, đây là tính ưu việt của nền giáo dục nước ta thời bấy giờ. Những điều luật thành văn và bất thành văn ấy dần dần ăn sâu vào nếp nghĩ, thái độ ứng xử cũng như việc làm của mỗi người trong xã hội, để rồi theo năm tháng kết tinh lại tạo thành truyền thống hiếu học - “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam. Nền giáo dục Việt Nam đã để lại cho chúng ta nhiều tấm gương sáng về thầy và trò, nhân cách cao cả, tinh thần học tập của họ luôn là bài học cho hậu thế, như các thầy giáo: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu…

Trong lịch sử giáo dục Việt Nam, thầy giáo Chu Văn An được coi là người tiêu biểu nhất và cũng là một biểu tượng sáng chói nhất, người được tôn vinh là “Vạn thế sư biểu” - người thầy của muôn đời - bậc thánh cao nhất về Nho học. Ông được tôn vinh là người thầy mẫu mực của mọi thời đại, bởi cả cuộc đời ông dành cho sự nghiệp đào tạo nhân tài. Tương truyền, sinh thời Nhà giáo Chu Văn An đã nói “Ta chưa từng nghe nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được”. Các di tích, đền thờ Chu Văn An không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà thực sự đã trở thành một địa chỉ tâm linh của ngành giáo dục các địa phương, của nhân dân cả nước. Đồng thời là nơi giáo dục truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo cho ngày nay và cho muôn đời sau.

Ông cha ta từ xa xưa đã dạy con cháu mình luôn luôn coi trọng, biết ơn người thầy. Cứ mỗi độ tết đến xuân về, ông bà, cha mẹ lại không quên nhắc nhở con cháu đi chúc tết thầy. “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”, đây là một nét đẹp văn hóa vừa thể hiện bản sắc dân tộc, vừa tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo từ bao đời nay của người Việt Nam. Điều đó để thấy vị trí của người thầy đặc biệt thế nào trong đời sống của người Việt Nam ta.

II. Ngày nay, nhà giáo được vinh danh là kỹ sư tâm hồn, nghề giáo được đánh giá là “nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề cao quý”. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dù với cách nói nào, thì vị trí đặc biệt của người thầy trong tâm khảm người dân Việt Nam vẫn nguyên vẹn. Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi sự nghiệp của người thầy là “vì lợi ích trăm năm trồng người”, bởi không giống những nghề cho ra đời những sản phẩm vật chất, nghề giáo tạo ra những con người tri thức, có đạo đức. Đảng, Nhà nước, xã hội coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, lấy ngày 20-11 hàng năm làm Ngày Nhà giáo Việt Nam để tôn vinh các thầy cô.

Đất nước ta trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nhưng dù là giai đoạn nào thì người dân Việt vẫn không bao giờ quên truyền thống tôn sư trọng đạo, điều đó gần như được ghi nhớ một cách tự nhiên trong tâm khảm mỗi người. Trong hoàn cảnh hiện nay, dưới tác động của cơ chế thị trường, không ít nhà giáo đánh mất nhân cách, lòng tự trọng, tự biến mình thành “người bán chữ” lạnh lùng, sòng phẳng có khi đến mức tàn nhẫn. Nhưng một sự thật hiển nhiên là, đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, dù còn điều này điều khác, nhưng tuyệt đại bộ phận người Việt Nam đều dành những tình cảm cao quý nhất cho nghề thầy giáo.

III. Văn kiện Đại hội Đảng XII nhấn mạnh đến yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, Đảng ta xuyên suốt từ đầu đến cuối xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển GD-ĐT nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả…

Có thể thấy, để đổi mới giáo dục thành công, cần nhiều điều kiện, yếu tố, nhưng từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ GD-ĐT cho đến các chuyên gia đều khẳng định, đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp đổi mới giáo dục lần này. Đội ngũ hơn 1 triệu thầy cô giáo trên cả nước sẽ là người quyết định thành bại sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Rất mừng là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã khẳng định sẽ có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Có chính sách hỗ trợ giảng viên trẻ về chỗ ở, học tập và nghiên cứu khoa học…

Trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn, các thầy giáo, cô giáo, nhất là các thầy giáo, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã vượt lên mọi khó khăn, tâm huyết với sự nghiệp GD-ĐT, có những đóng góp thầm lặng nhưng hết sức to lớn cho đất nước, cho sự nghiệp “trồng người” cao cả, vẻ vang. Để tôn vinh người thầy, tôn vinh nghề giáo, ngoài việc Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện những chính sách thỏa đáng cho nghề giáo, một điều quan trọng là mỗi người cần giữ gìn sự trân trọng đối với nghề đặc biệt này.

Trong ngày 20-11-2015, trên trang cá nhân của mình, khi nhớ lại hình ảnh Nhà giáo Nhân dân Tôn Thất Thân (Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội), người thầy của mình thời phổ thông, GS Ngô Bảo Châu đã viết “Khi bản thân trở thành thầy giáo, tôi mới nhận ra rằng để luôn luôn chỉnh tề, để không bao giờ đến trễ, để giảng bài dễ hiểu, và để động viên phê bình học trò đúng lúc và công bằng, người thầy phải nỗ lực lớn như thế nào”. Những ký ức về một thời thầy trò, về những thầy cô mẫu mực sẽ không thể phai đi trong tâm khảm chúng ta. Bởi đó là ký ức chân thực về những gì đẹp đẽ nhất của một thời đã qua. Nếu ai cũng biết trân trọng thì sẽ làm cho cuộc sống ngày hôm nay tốt đẹp và nhân văn hơn, tử tế hơn. Như tâm sự với các em học sinh của GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam khi đến chúc mừng thầy và trò Trường THPT Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 2015: Trước đây đất nước chúng ta nghèo, 95% người dân không biết chữ. Ngày nay chúng ta có mọi thứ, tất cả đều là nhờ học hành mà thành. Có học mới làm được, mới sáng tạo được và thầy cô là người dạy chúng ta học hành. Vì vậy là học trò thì phải luôn nhớ ơn thầy cô…

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục