Một sai lầm

Cuối cùng, kế hoạch của Thủ tướng Israel gửi số vaccine ngừa Covid-19 dư thừa cho các nước đồng minh đã bị đình chỉ do các vấn đề chính trị và pháp lý. Văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã xác nhận thông tin trên, cho biết kế hoạch này đã phải đình lại chờ sự xem xét kỹ lưỡng về pháp lý của Bộ trưởng Tư pháp Avichai Mandelblit.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân tại Tel Aviv, Israel, ngày 10-2-2021. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân tại Tel Aviv, Israel, ngày 10-2-2021. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Israel hiện là một trong những nước đạt tiến độ tiêm chủng vaccine nhanh nhất thế giới, với hơn 5 triệu công dân được tiêm chủng mũi đầu tiên, trên tổng dân số là 9,3 triệu người. Từ chiến dịch tiêm chủng thành công ở đất nước mình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu muốn tăng lợi thế thông qua kế hoạch chuyển số vaccine dư của Israel cho các nước đồng minh mà ông Netayahu gọi là “ngoại giao vaccine”. 

Tuy nhiên, theo phân tích, chính sách ngoại giao vaccine này không giống như chính sách của Ấn Độ - hiện đang cạnh tranh chặt chẽ với Trung Quốc - bằng cách hứa cung cấp cho các nước láng giềng 20 triệu liều Covishield, vaccine của hãng dược Anh AstraZeneca sản xuất trên lãnh thổ của mình. Cũng không thể so sánh với những nỗ lực của Nga trong việc thúc đẩy sự công nhận giá trị của vaccine Sputnik V khi chia sẻ với các đồng minh.

Israel khác ở chỗ không sản xuất những liều vaccine này mà chỉ có được chúng trước những nước khác từ phòng thí nghiệm Pfizer của Mỹ, bằng cách hứa cung cấp dữ liệu y tế của mình để đánh giá hiệu quả của vaccine trong điều kiện thực tế. Tuần trước, nước này cũng tài trợ các liều huyết thanh Nga cho Syria để tạo điều kiện cho một công dân Israel được thả.

Trong khi đó, người dân các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng phải chờ trợ giúp từ hệ thống Covax của Tổ chức Y tế thế giới để được tiêm chủng. Israel có tiêm chủng cho những người định cư của mình, nhưng chỉ truyền vài ngàn liều thuốc tượng trưng cho chính quyền Palestine, và cho phép chuyển 30.000 liều thuốc do Moscow và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất tặng cho Ramallah và Dải Gaza.

Chính phủ Israel cho rằng theo Hiệp định Oslo, đảm bảo sức khỏe công dân là trách nhiệm của chính quyền Palestine. Các nhà bảo vệ nhân quyền nhắc nhở Israel ghi nhớ nghĩa vụ của mình với tư cách là một cường quốc chiếm đóng theo Công ước Geneva, còn các chuyên gia y tế Israel khẳng định không thể đạt được khả năng miễn dịch hàng loạt ở Israel nếu người Palestine không được chích ngừa.

Bộ trưởng Quốc phòng đồng thời là Thủ tướng luân phiên của Israel, ông Benny Gantz, cho rằng kế hoạch của ông Netanyahu chưa nghiên cứu những tác động về mặt ngoại giao và an ninh của Israel. Còn tờ Le Monde nhận định chính phủ của ông Benyamin Netanyahu đã đánh mất cơ hội thể hiện mình có trách nhiệm và đoàn kết với chi phí thấp nhưng thu được lợi nhuận lớn, và mặt hình ảnh đã bị giảm sút đáng kể.

Tin cùng chuyên mục