Một số địa phương buông lỏng quản lý tín dụng đen

Tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” dù tiếp tục được kiềm chế và kiểm soát (467 vụ, giảm 2,91%) song tại một số địa phương có thời điểm có dấu hiệu buông lỏng, công tác chỉ đạo, đấu tranh triệt phá chưa quyết liệt dẫn đến một số băng nhóm hoạt động trong một thời gian dài nhưng chưa được phát hiện, đưa vào diện quản lý hoặc chưa bị triệt phá. 
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương báo cáo tại phiên họp
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương báo cáo tại phiên họp

Thay mặt Chính phủ báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14-9 về Công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, trong năm 2020, ngành công an đã chỉ đạo các lực lượng tập trung phát hiện, xử lý nhiều vụ án vi phạm pháp luật về trật tự xã hội.

Số liệu được công bố cho thấy, toàn ngành đã điều tra, làm rõ 33.131 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, đạt 86,04% (án rất nghiêm trọng đạt 85,75%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,91%); khởi tố 20.242 vụ (tăng 7,6%).

Các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ. Các vụ xâm hại trẻ em, các vụ việc do người chưa thành niên gây ra được điều tra, xử lý quyết liệt hơn. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2020 đã xử lý hình sự 749 vụ/797 đối tượng, xử lý hành chính 38 vụ/73 đối tượng xâm hại trẻ em; 1.637 vụ/2.521 đối tượng là người chưa thành niên phạm tội và vi phạm pháp luật bị xử lý hành chính.

Lực lượng công an cũng đã tổ chức tiếp nhận, giải cứu 137 nạn nhân bị mua bán trở về; triệt phá 2.485 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tạo ra những chuyển biến tích cực. Có 436 vụ/766 bị can đã bị khởi tố về các tội danh liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, bảo kê, đòi nợ thuê, trong đó đã khởi tố 214 vụ án/497 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Thực tiễn công tác phòng ngừa, đấu tranh đã góp phần kéo giảm số vụ phạm pháp hình sự giảm, điển hình là số vụ tội phạm sử dụng vũ khí “nóng” được phát hiện giảm 42,26%, số vụ cưỡng đoạt tài sản giảm 10,09%, số vụ trộm cắp tài sản giảm 10,12%.

Tương tự, số cướp tài sản giảm 8,2%, số vụ hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản giảm 12,91%...

Tuy nhiên, tình hình tội phạm về trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp với sự gia tăng của một số loại tội phạm như tội phạm hiếp dâm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ…

Đáng chú ý, tội phạm giết người tiếp tục có xu hướng gia tăng (945 vụ, tăng 7,63%, 1.255 đối tượng, tăng 4,41%) với tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả nghiêm trọng hơn.

Tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” dù tiếp tục được kiềm chế và kiểm soát (467 vụ, giảm 2,91%) song tại một số địa phương có thời điểm có dấu hiệu buông lỏng, công tác chỉ đạo, đấu tranh triệt phá chưa quyết liệt dẫn đến một số băng nhóm hoạt động trong một thời gian dài nhưng chưa được phát hiện, đưa vào diện quản lý hoặc chưa bị triệt phá. Đơn cử như băng nhóm vợ chồng Nguyễn Xuân Đường tại Thái Bình, vợ chồng Lý Thị Loan (Loan “cá”) tại Đồng Nai, băng nhóm vợ chồng đối tượng Lê Văn Phú (Phú Lê) tại Hà Nội...

Tình trạng các băng, nhóm tụ tập dùng hung khí để giải quyết mâu thuẫn gây lo ngại trong nhân dân vẫn xảy ra mà điển hình là vụ Nguyễn Thanh Tuấn huy động gần 200 đối tượng sử dụng hung khí đập phá quán ăn, làm 1 người bị thương tại TPHCM; vụ 2 nhóm gồm 27 đối tượng đánh nhau làm 1 người bị chết, 3 người bị thương tại Quảng Ninh…

Tin cùng chuyên mục