Một số điều cần biết khi dùng thuốc để dự phòng sốt rét

Sốt rét là bệnh phổ biến, có thể gây chết người nên việc tìm kiếm một biện pháp dự phòng hiệu quả, khả thi để không mắc bệnh là điều cần thiết. Một trong những biện pháp dự phòng sốt rét là dùng thuốc, hay còn gọi là hóa dự phòng.

Ký sinh trùng sốt rét, thủ phạm gây bệnh, là một sinh vật có chu kỳ sống rất phức tạp về mặt sinh học. Hiểu một cách đơn giản, ký sinh trùng sốt rét cần 2 ký chủ để phát triển chu kỳ sống của mình: người và muỗi A-nô-phen. Trong cơ thể người, ký sinh trùng sốt rét lần lượt ký sinh ở hai nơi: gan và hồng cầu. Ngay sau khi xâm nhập vào cơ thể qua vết đốt của muỗi, ký sinh trùng nhanh chóng di chuyển về gan, âm thầm phát triển và không gây phiền toái gì cho “chủ nhà”.

Sau 1 - 2 tuần, các ký sinh trùng từ gan đi vào máu ký sinh trong các hồng cầu. Kể từ lúc này ký sinh trùng vừa phát triển, vừa tàn phá “căn nhà” hồng cầu với tốc độ chóng mặt.

Thuốc sốt rét có 3 công dụng chính: dự phòng (để không mắc bệnh), chữa trị (khi đã mắc bệnh), và ngăn ngừa sự lây truyền bệnh (không để bệnh lây lan trong cộng đồng).

Việc chọn lựa một loại thuốc sốt rét để điều trị dự phòng dựa trên một số yếu tố như: sự phân bố ký sinh trùng sốt rét và mức độ đáp ứng với thuốc, mức độ lưu hành của sốt rét, tình trạng miễn dịch của đối tượng sắp đi vào vùng sốt rét, độc tính của thuốc, thời gian tồn tại của thuốc trong cơ thể (các thuốc có thời gian tồn tại trong cơ thể ngắn thường không dùng cho dự phòng vì phải dùng thuốc hàng ngày, thậm chí nhiều lần trong ngày), sự có sẵn của thuốc, giá thành...

Do đó, mỗi nước có một chính sách thuốc sốt rét riêng trong điều trị và dự phòng. Ở Việt Nam từ năm 2003, Bộ Y tế quy định Chloroquin và Mefloquin là 2 loại thuốc sốt rét được sử dụng cho mục đích dự phòng (2 thuốc này cũng được dùng cho mục đích điều trị).

Theo Hướng dẫn chẩn đoán và Điều trị sốt rét của Dự án quốc gia Phòng chống sốt rét (2003), tất cả các tuyến y tế từ trung ương đến cơ sở được sử dụng Chloroquin trong dự phòng sốt rét, còn Mefloquin được dùng từ tuyến huyện trở lên. Trong vùng sốt rét lưu hành, đối tượng được khuyến cáo uống thuốc dự phòng là phụ nữ có thai với liều 2 viên Chloroquin 250 mg hàng tuần (mỗi viên chứa 150 mg chloroquin base).

Nhiễm sốt rét trong lúc mang thai gây nguy hiểm không những cho mẹ, mà còn cho thai nhi, hoặc đứa trẻ sắp sinh. Ở những vùng có Plasmodium falciparum lưu hành với mức độ thấp thì bà mẹ mang thai rất dễ bị sốt rét ác tính do mức độ miễn dịch của bà mẹ cũng thấp một cách tương ứng.

Mặt khác, ở những vùng có Plasmodium falciparum lưu hành với mức độ cao thì bà mẹ lại có miễn dịch cao với sốt rét và do đó có thể nhiễm ký sinh trùng sốt rét mà không có biểu hiện lâm sàng (từ chuyên môn gọi là mang ký sinh trùng lạnh). Do không biết mình bị bệnh, nên người mẹ cũng không được điều trị và điều này có thể làm cho người mẹ bị thiếu máu và nhau thai bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét.

Cả hai tình huống này đều làm cho cân nặng lúc sinh của trẻ giảm và làm tăng tỉ lệ tử vong sơ sinh. Đối với các đối tượng khác đi vào vùng sốt rét thì được khuyến cáo nên dùng hàng tuần Mefloquin hoặc Chloroquin (khi vào vùng ký sinh trùng còn nhạy cảm với thuốc này). Liều lượng của thuốc thay đổi tùy theo lứa tuổi.

Thời gian dùng thuốc để dự phòng không quá 6 tháng. Mefloquin hoặc Chloroquin thường được uống 1 -2 tuần trước khi vào vùng sốt rét với mục đích tạo một nồng độ thuốc đủ để bảo vệ khi vào vùng sốt rét, đồng thời để thăm dò xem phản ứng phụ của thuốc nếu có để có thể thay thuốc khác nếu cần.

Sau khi ra khỏi vùng sốt rét cũng cần tiếp tục uống thêm 4 tuần nữa. Ngoài ra, ngay cả khi đã uống thuốc phòng sốt rét, chúng ta cũng nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu thấy bị sốt (có hoặc không có đi kèm các triệu chứng khác) kể từ sau tuần lễ đầu tiên vào vùng sốt rét cho đến 3 tháng sau khi ra khỏi vùng sốt rét. Một lời khuyên cho tất cả mọi người là nên liên hệ với cán bộ y tế để được tham vấn về những điều cần làm sau khi ra khỏi vùng sốt rét. 

BS THÀNH Ý
(Viện Sốt rét-KST-CT TPHCM)

Tin cùng chuyên mục