Gần đây nhất là vụ một cô đồng được phong là “Nữ hoàng văn hóa tâm linh” - một danh hiệu nghe rất ngộ nghĩnh mà không ai hiểu ý nghĩa thật sự là gì.
Còn nhớ trước đây, một công ty sản xuất bột ngọt đã được trao danh hiệu “Đơn vị bảo vệ môi trường xuất sắc nhất”, thế mà sau đó lại bị phát hiện xả hóa chất làm ô nhiễm trầm trọng môi trường sông Thị Vải. Một doanh nghiệp khác được tặng danh hiệu “Thương hiệu và sản phẩm hàng đầu Việt Nam”, và giám đốc doanh nghiệp này được tặng danh hiệu “Gương mặt doanh nhân tiêu biểu”, thế mà sau đó không lâu, vị giám đốc này bị bắt và lãnh án 22 năm tù vì tội sản xuất thuốc ung thư giả. Giới nghệ sĩ âm nhạc cũng từng sửng sốt khi hay tin một ca sĩ - nhạc sĩ bỗng dưng được phong là “Giáo sư âm nhạc”.
Thực tế các danh hiệu được một số tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp trao cho các cá nhân hay đơn vị đều không qua một quy trình xét duyệt nào cả, mà chỉ là phong danh hiệu tùy tiện. Các cá nhân hay đơn vị muốn được nhận danh hiệu phải trả một khoản tiền không nhỏ, từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng.
Khoản tiền này được gọi là chi phí cho việc quảng bá truyền thông cho danh hiệu. Thực chất việc lập ra các danh hiệu ảo để phong tặng, tôn vinh cho những cá nhân, đơn vị không thực sự có thành tích đáng trân trọng, cũng là hành vi trục lợi, mượn danh hiệu để lừa bịp người tiêu dùng.
Rất cần có quy định pháp luật cụ thể đối với việc lập danh hiệu, phong tặng danh hiệu, có một chế tài rạch ròi đối với hành vi trục lợi bằng danh hiệu ảo. Việc lập danh hiệu, phong tặng danh hiệu phải dựa trên cơ sở pháp lý và chỉ phong tặng cho những cá nhân, đơn vị thực sự có công với xã hội.