Mùa đông bất an ở châu Âu

Theo hãng tin Bloomberg, Latvia và Romania đã phải quay trở lại với các biện pháp phòng dịch Covid-19 gắt gao, như đóng cửa nhà hàng, tiệm cắt tóc, triển khai học trực tuyến, yêu cầu người dân ở nhà sau 20 giờ… trong bối cảnh số ca mắc tăng mạnh trở lại ở 2 quốc gia châu Âu này.
Các bệnh nhân mắc Covid-19 tại một bệnh viện ở thủ đô Bucharest, Romania
Các bệnh nhân mắc Covid-19 tại một bệnh viện ở thủ đô Bucharest, Romania

Điểm nóng về dịch

Nhiều chuyên gia lo ngại, không chỉ riêng Latvia và Romania, mà cả châu Âu sẽ phải đối mặt với làn sóng bệnh dịch mới trong bối cảnh mùa đông đang đến gần. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa qua đã cảnh báo, với tỷ lệ tăng 7% số ca mắc mới, châu Âu là khu vực duy nhất trên thế giới ghi nhận số ca mắc gia tăng. Tổng số ca mắc tại châu Âu trong 7 ngày qua chiếm 38% tổng số ca mắc ghi nhận toàn thế giới, đưa châu lục này trở lại là “điểm nóng” của dịch Covid-19. 

Tình hình dịch bệnh diễn biến đặc biệt phức tạp tại Anh. Con số lây nhiễm ở quốc gia này đã trở lại mức cao chưa từng có từ giữa tháng 7 đến nay, gần gấp đôi so với hồi tháng 1, dù tỷ lệ tử vong hiện chỉ ở mức thấp nhờ chiến dịch tiêm chủng đại trà. Tuy nhiên, so với các nước Tây Âu khác, Anh vẫn có tỷ lệ mắc, nhập viện và tử vong cao. Tuần qua, nước này đã ghi nhận hơn 325.000 ca mắc, cao nhất châu Âu và hơn 52.000 ca chỉ riêng trong ngày 21-10, nhiều hơn con số ở cả Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha cộng lại. 

Với việc số ca mắc gia tăng ở mức đáng báo động sau khi các biện pháp phòng dịch được nới lỏng, giới chuyên gia đã đưa ra cảnh báo nguy cơ châu Âu phải hứng chịu làn sóng dịch bệnh thứ 3 vào mùa đông sắp tới.

Tăng cường vaccine, đề cao ý thức

Dịch Covid-19 cũng diễn biến nghiêm trọng ở Nga, khu vực Baltic, các nước Trung và Đông Âu. Sở dĩ có tình trạng trên là do tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 ở các nước trên tương đối thấp (dưới 50%). Ngay tại Anh, quốc gia đã mở cửa trở lại hoàn toàn từ trung tuần tháng 7 vừa qua, số người trưởng thành hoàn thành tiêm vaccine Covid-19 là 65,9%, thấp hơn so với Pháp (66,1%), Italy (68,3%), Ireland (74,1%), Tây Ban Nha (78,6%) và Bồ Đào Nha (85,2%). Tỷ lệ tiêm vaccine ở người trẻ tuổi ở Anh cũng thấp.

Những con số trên chắc chắn là lời cảnh báo với châu Âu, trong bối cảnh mùa đông đang tới, nhiệt độ xuống thấp trở thành điều kiện thuận lợi để virus SARS-CoV-2 và các biến chủng sinh sôi. Mùa đông cũng là thời điểm của bệnh cúm mùa, đe dọa hệ thống y tế. Vào thời điểm này năm ngoái, châu Âu cũng đã chứng kiến số ca mắc và tử vong tăng vọt. Các nước châu Âu khi đó đã đồng loạt công bố các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát dịch bệnh và trải qua một mùa Giáng sinh ảm đạm chưa từng có. 

Tuy nhiên, mùa đông năm nay, khi các nước châu Âu đã chọn chung sống với Covid-19 và mở cửa gần như hoàn toàn, các chính phủ hầu hết không chọn tái áp đặt các biện pháp phòng dịch mạnh để đảm bảo nền kinh tế tiếp tục vận hành. Thay vào đó, đeo khẩu trang và chứng nhận tiêm chủng là những yêu cầu bắt buộc khi tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội ở nhiều nước châu Âu. Hầu hết chuyên gia y tế cho rằng, loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2 gần như là điều không thể và đại dịch sẽ không biến mất một cách nhanh chóng. 

Ông Tom Wingfield, chuyên gia bệnh dịch truyền nhiễm ở Liverpool (Anh), nhận định, mùa đông năm nay với rất nhiều áp lực hỗn hợp sẽ là rào cản cuối cùng trước khi vaccine có thể trở thành công cụ thường trực giúp con người sống chung an toàn với Covid-19. Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng đại trà, theo ông Dmitry Peskov - Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ý thức và trách nhiệm của người dân vẫn là yếu tố quyết định để châu Âu có thể vượt qua mùa đông khó khăn này.

Tin cùng chuyên mục