
Nhiều người nghĩ rằng vào mùa mưa, nguy cơ cháy nổ ít do thời tiết ẩm ướt, nhiệt độ xuống thấp, vật liệu khó bắt lửa nên chủ quan trong phòng ngừa cháy nổ khi sản xuất - kinh doanh - sinh hoạt. Trên thực tế, mùa mưa vẫn tràn ngập nguy cơ cháy, đặc biệt nếu người dân không chủ động, nâng cao ý thức, có giải pháp phòng ngừa hiệu quả, sự cố nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, kéo theo hậu quả và hệ lụy khó lường.
Nguy cơ nổ cao!
Tối 26/5, nhiều người lưu thông trên đại lộ Nguyễn Văn Linh đoạn qua ấp 5, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh (TPHCM) hoảng sợ khi một tiếng nổ lớn phát ra trên trụ điện ven đường, liền sau đó nhiều dây điện, cáp quang, dây điện thoại giăng mắc trên trụ điện thành cuộn bốc cháy. Rất may, 5 công nhân của một vựa phế liệu gần đó nhanh chóng dùng bình CO2 và nước dập tắt được đám cháy trước khi lửa lan sang nhà dân và các vựa phế liệu ở bên dưới. Tìm hiểu vụ việc, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân sự cố là do trước đó một người dân đấu nối dây điện từ trụ điện vào nhà nhưng dán keo không kỹ ở mối nối, nước mưa rò rỉ vào dẫn đến chập điện, gây nổ và cháy. Trên thực tế, có không ít vụ cháy nổ xuất phát từ nguyên nhân tương tự đã xảy ra trong mùa mưa, nhiều vụ do người dân, cơ quan chức năng không xử lý kịp dẫn đến cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Cảnh sát PC&CC TPHCM kiểm tra thiết bị chữa cháy tại một cơ sở kinh doanh hóa chất trên địa bàn quận Bình Tân để đảm bảo an toàn cháy nổ trong mùa mưa.
Theo Trung tá Nguyễn Đức Vinh, Phó Phòng Hướng dẫn chỉ đạo phòng cháy - Cảnh sát PC&CC TPHCM, ngoài yếu tố nước mưa rò rỉ vào các mối điện bị hở, làm dây điện bị oxy hóa dẫn đến chập điện gây cháy nổ, trong mùa mưa có nhiều có yếu tố đáng lo ngại khác, như: Cây xanh trên đường phố, ở các công viên, tiểu đảo, khuôn viên trường học - bệnh viện… không được mé nhánh, xử lý những cành khô, khi có gió to hoặc mưa lớn sẽ ngã đổ đè đứt hệ thống dây điện gây chạm chập, dẫn đến nổ - cháy. Sẽ rất nguy hiểm nếu cháy nổ xảy ra, vì ở các khu vực công cộng nói trên luôn có người lưu thông, sinh hoạt, đi lại. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến có tồn trữ nhiều loại dung môi, hóa chất, nguy cơ cháy nổ cũng rất đáng lo ngại. Có nhiều loại hóa chất (dạng bột) khi bị ẩm, tiếp xúc với nước sẽ phản ứng gây nổ, phát sinh lửa gây cháy nhưng chủ cơ sở lại không biết, hoặc biết (nhưng chủ quan) không che đậy, trang bị phòng - kho chứa an toàn để nước mưa ngập, rò rỉ, dẫn đến phản ứng hóa học, gây cháy nổ.

Sự cố chạm chập điện, cháy nổ dây điện rất dễ xảy ra trong mùa mưa.
Ở khu vực ngoại thành, nông thôn, vào mùa mưa, người dân thường ngại đi lại, để việc kinh doanh, sinh hoạt được thuận tiện, không ngưng trệ khi có sự cố mất điện, ngập đường, người dân thường mua trữ nhiều xăng dầu trữ trong nhà nhưng không bảo quản đúng quy định dễ dẫn đến cháy nổ. “Để ngăn cháy nổ xảy ra từ các yếu tố nói trên trong mùa mưa, hơn ai hết, bản thân mỗi người dân, chủ cơ sở, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, ban quản lý chợ, chủ trại… phải là người có ý thức, có trách nhiệm với chính mình và mọi người, thực hiện tốt việc phòng cháy. Khi có nghi ngờ, chưa rõ, hoặc không nắm hết thông tin về phòng cháy, cần tham khảo cơ quan chức năng, để tai nạn đáng tiếc không xảy ra”, Trung tá Nguyễn Đức Vinh lưu ý.
Chủ động phòng ngừa
Để ngăn chặn cháy nổ xảy ra trong mùa mưa năm 2016, đặc biệt là cháy lan cháy lớn, về phía cơ quan chức năng, Đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Cảnh sát PC&CC TPHCM cho biết, từ đầu quý 2, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan như: Tổng Công ty Điện lực TP, Sở GTVT TP, Công ty TNHH Một thành viên cây xanh TP… kiểm tra, xử lý các yếu tố có nguy cơ dẫn các sự cố, tai nạn cháy nổ như: mé nhánh cây xanh trên đường, trong công viên, khuôn viên bệnh viện - trường học; kiểm tra lại hệ thống điện chiếu sáng công cộng, lưới điện sinh hoạt từ các trạm vào đến các khu dân cư, hẻm nhỏ… Ngoài ra, đơn vị cũng bố trí cán bộ chuyên trách phối hợp cùng với chính quyền địa phương (UBND các quận huyện, phường xã), đoàn thanh niên thường xuyên tổ chức tuyên truyền đến từng khu phố, nhà dân để người dân nâng cao kiến thức, ý thức trong phòng ngừa cháy nổ.

Chiều 27/5, dù trời mưa lớn nhưng tại Công ty Nệm Vạn Thành (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) vẫn xảy ra cháy lớn, Cảnh sát PC&CC TPHCM phải mất 5 giờ mới khống chế được đám cháy.
Bên cạnh đó, Cảnh sát PC&CC TPHCM cũng yêu cầu các phòng cảnh sát PC&CC quận huyện thành lập các tổ kiểm tra chuyên đề, tập trung kiểm tra, nhắc nhở, xử lý các vi phạm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có liên quan đến hóa chất. Cụ thể: Nhà xưởng - kho chứa hàng không để dột nát; hệ thống chống sét được gia cố, đảm bảo đúng kỹ thuật quy định; bổ sung các phương án chữa cháy, các phương tiện chữa cháy tại chỗ… Đại tá Lê Tấn Bửu, lưu ý: “Dù là mùa mưa nhưng chủ các cơ sở, công ty không được chủ quan về nguồn nước chữa cháy, phải tích nước thường xuyên, bởi sự cố cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu không có sự chuẩn bị phương án ứng phó sẽ rất dễ bị động, hậu quả khó lường. Ngoài ra, mùa mưa, diện tích sinh hoạt thường bị thu hẹp, người dân thường tận dụng tối đa diện tích trong nhà, xưởng, kho để sử dụng, nhưng tuyệt đối không sử dụng bếp nấu, đốt than trong các khu vực nói trên, tránh gây phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt”.
Trong khi đó, lãnh đạo một số quận như 6, 8 và huyện Bình Chánh cho biết, để ngăn chặn hiệu quả cháy nổ xảy ra trong mùa mưa năm 2016, các địa phương này đang tăng cường quân số và nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ bảo vệ dân phố phường xã (lực lượng chữa cháy tại chỗ), để lực lượng này không chỉ làm tốt công tác chữa cháy mà còn hỗ trợ địa phương làm tốt công tác phòng cháy.
NGUYỄN TÂM