Mưa trái vụ và rét đậm tại miền Trung rơi đúng vào cao điểm nông dân xuống giống vụ lúa đông-xuân 2011 đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp vì mạ chết úng, mai vàng “cười” trước tết cả tháng.
Lúa úng, gia súc chết lạnh
Ngày 12-1, nhiệt độ ngoài trời xuống dưới ngưỡng 10°C nhưng bà con nông dân Quảng Trị vẫn ra đồng đấu úng, cứu lúa non ngập sâu trong mưa lụt trái vụ từ sáng sớm. Ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Bà con huyện Vĩnh Linh và Gio Linh đã gieo cấy được gần 7.000 ha lúa, 750ha lạc, 350ha ngô và 120ha sắn... Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết phức tạp, nhiều đợt không khí lạnh kèm theo mưa kéo dài tuần qua đã làm 1.500ha lúa non ngập lụt, trong đó 160ha tại các xã Trung Hải, Trung Sơn, Gio Phong, Gio Mỹ và Gio Thành ngập nặng, khó có khả năng khôi phục. Hiện ngành nông nghiệp đang tập trung tiêu úng, vận động nông dân ngâm ủ thóc giống ngắn ngày gieo thế diện tích lúa bị chết”.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản yêu cầu Sở NN-PTNT và các địa phương tăng cường phòng chống đói rét và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm ngay từ đầu mùa đông. Vậy nhưng, ông Hồ Văn Ngưm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện A Lưới, lại xác nhận toàn huyện đã có 5 con trâu và 20 con bò bị chết rét do người dân chăn thả rong trong rừng, không chịu lùa về nhà. Ngoài ra, đàn gia súc nguy cơ đối mặt với dịch lở mồm long móng khi bệnh này đã xuất hiện trên đàn trâu bò gần 400 con chăn thả rông tại xã Hương Sơn, huyện Nam Đông.
Hoa “cười”, người “khóc”
Thừa Thiên - Huế hiện có hàng trăm vườn mai vàng với quy mô từ 400-500 gốc/vườn tập trung ở thành phố Huế và các huyện vùng ven như Phú Vang, Quảng Điền và thị xã Hương Thủy. Những năm trước, sau khi tuốt lá, mai vàng bắt đầu xuất hiện nụ vào trung tuần tháng Chạp và nở hoa khoe sắc vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Nhưng mấy ngày nay, người làm vườn như đang ngồi trên đống lửa khi mai vàng trồng trên chậu nở hoa ngay từ đầu tháng Chạp.
Ông Nguyễn Văn Hai, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tâm sự: “Năm ngoái được mùa thì mai rớt giá. Năm nay, mai vàng đồng loạt “cười” trước Tết Tân Mão cả tháng trời... Cả năm đổ dồn công sức, tiền của vô nó (mai vàng), giờ coi như đi toi”. Thời tiết rét đậm rét hại, hoa mai nở sớm. Ông Hai chua chát: “Thời tiết khô hạn ngay từ sau Tết Nguyên đán Canh Dần 2010 nên cây trồng cằn cỗi. Vì vậy, sau 23 tháng 10 (kinh nghiệm địa phương, sau 23 tháng mười Âm lịch là kết thúc mùa mưa - PV), người làm vườn sợ cây yếu sức ra hoa muộn nên bón phân và tuốt lá sớm hơn mọi năm hai tuần lễ. Tuốt lá xong gặp thời tiết đột ngột xảy ra mưa giông và nắng nóng bất thường trước đợt rét đậm rét hại nên mai vàng “tức cành” nở hoa... Mọi kỹ thuật giờ đều bó tay!”.
Cùng thời điểm, thay cho không khí vui nhộn, phấn khởi tập trung chăm sóc, cắt nhánh, tỉa cành để có hoa đẹp phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Mão 2011 thì tại những vùng chuyên canh hoa ở Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế lại vắng lặng, buồn bã. Bởi cũng giống như cây mai vàng trồng trên chậu, đúng lúc hoa cúc các loại, lay ơn, hồ điệp... hé nụ thì gặp thời tiết xảy mưa lớn khiến hoa nở rộ nhưng cành lá rũ rượi.
VĂN THẮNG - LAN NGỌC