
Một tác phẩm sơn dầu của họa sĩ Bùi Suối Hoa tại triển lãm.
Cùng học một lớp, một trường và cùng tốt nghiệp mỹ thuật tạo hình cách đây 30 năm tại Hà Nội, lần đầu tiên, những người bạn cũ đã có cuộc triển lãm chung gần 100 tác phẩm, tại Bảo tàng Mỹ thuật 97A Phó Đức Chính, quận 1 (*)
Họa sĩ Nguyễn Hà Bắc cũng là đạo diễn nhiều phim hoạt hình từng đoạt giải thưởng Bông Sen vàng, Bông Sen bạc qua các Liên hoan phim VN, lần này đã mang trưng bày những bức “Sông Hồng”, trông lạ mắt, đầy ấn tượng. Chất sơn dầu thể hiện trong tác phẩm của anh đầy ngẫu hứng, cuồn cuộn chất sơn và rực rỡ màu nền nguyên chất.
Từ Hà Nội vào, nữ họa sĩ Bùi Mai Hiên, người từng có tranh trong bộ sưu tập cá nhân của phu nhân cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, lần này cũng góp mặt gần 10 bức tranh trừu tượng lớn, nhỏ. Với chất liệu sơn mài, Bùi Mai Hiên vẫn tiếp tục thế mạnh qua lối thể hiện trừu tượng thông với những hình mảng kỷ hà biến thể phong phú những chi tiết, đường nét và cả hiệu quả tạo chất được sắp đặt theo nhịp điệu của các mô típ tạo hình.
Nhà điêu khắc Lê Thị Hiền, từng tham gia nhiều trại sáng tác điêu khắc quốc tế cũng góp mặt với bạn bè những tác phẩm mang yếu tố nghệ thuật sắp đặt thông qua hình khối, không gian, ánh sáng và chủ ý pha trộn, kết hợp âm dương trong tổng hòa các khối hình.
Họa sĩ kiêm giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh Lê Xuân Chiểu lần này không sử dụng thể loại sơn mài quen thuộc, mà giới thiệu mảng tranh sơn dầu. Tranh của anh thể hiện lối nửa trang trí, nửa gợi khối nhưng tươi tắn dứt khoát, khỏe khoắn, nhất là đề tài phụ nữ các dân tộc thiểu số với những gam màu nóng, đặc sắc với các họa tiết điểm xuyết trên trang phục phụ nữ rất đẹp.
Bên cạnh, các bức “Sân khấu và cuộc đời”, “Ly rượu- cuộc đời”, tình yêu và thân phận phụ nữ, biển thiên nhiên… là đề tài dễ bắt gặp trong tranh Bùi Suối Hoa. Những bức sơn dầu ngồn ngộn vẻ đẹp của màu sắc, với bút pháp mạnh bạo không gò gẫm, câu nệ, có lúc đầy phá phách của chị, thể hiện phong cách mạnh mẽ, phóng khoáng rất lạ.
Khác với mảng tranh sơn dầu đề tài Chăm trong triển lãm trước đây, những bức sơn dầu như thể nghiệm về chất và hình mảng kiểu trang trí tranh ghép hoành tráng tạo nên hiệu quả nửa thực, nửa mơ của họa sĩ Nguyễn Hồng Sơn, mang đến cho người xem những cảm nhận đa chiều về sự vật, về con người và cuộc đời.
Trái lại, giảng viên mỹ thuật sân khấu điện ảnh -họa sĩ thiết kế Đỗ Lệnh Hùng Tú với những bức vẽ theo lối chân phương, nhưng gửi gắm theo tranh nhiều ẩn ý mang ý nghĩa nhân sinh”: Con người luôn gắn kết với muôn loài thiên nhiên, bướm, chim, hoa lá theo cả nghĩa thực và nghĩa ảo, nghĩa đen và nghĩa bóng. Những cận cảnh về bướm và hoa và vẻ đẹp của tạo hóa ngàn đời của Đỗ Lệnh Hùng Tú lại đưa người xem vào những ý niệm đa chiều khác, có nhiều lúc như mơ hồ, nhiều lúc như tả thực, nhiều lúc như siêu thực, ẩn dụ, tượng trưng, bảng lảng vừa thực vừa mơ.
Riêng các bức tĩnh vật, phong cảnh và bố cục tự do của Ngô Chương với những tung tẩy xáo động của những vệt bút đắp dầy có chủ đích, tạo cho người xem những ấn tượng, những cảm giác về những con phố mùa thu nhấp nhô mái ngói xen cùng những tán cây, hay những gốc đa cổ thụ bền vững lâu đời. Ngô Chương còn là nhà thiết kế đồ họa nổi tiếng. Đặc biệt, nữ họa sĩ Đào Nguyên Dạ Thảo sinh ra ở Đà Lạt, hiện định cư tại Mỹ đã kịp thời “trình làng” cùng bạn bè những bức tranh sống động, cận cảnh về hình ảnh đời thường của người lao động.
Mùa thu hội ngộ - Sài Gòn 2006, cuộc gặp gỡ của những người bạn cũ với những dấu ấn thành công nghệ thuật riêng trong thời gian đã qua. Nhưng, dường như cũng là lúc các nghệ sĩ cũng đang bộc lộ sự trăn trở, kiếm tìm một hướng sáng tác mới
KIM ỬNG
(*) Triển lãm kết thúc ngày 19-12-2006.