Từ ngày 1-2-2014, tuyến xe buýt mã số 143 chạy theo lộ trình Bến xe Chợ Lớn - Bình Hưng Hòa do Hợp tác xã vận tải số 28 khai thác đã ngưng hoạt động. Theo thông báo của Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM (TTQL&ĐHVTHKCC), hành khách hay đi trên tuyến 143 có thể chuyển sang đi thay thế bằng các tuyến số 10, 25, 32, 51, 91 và 144.
Một tháng sau đó, đến lượt tuyến buýt mã số 111 chạy lộ trình Bến xe Quận 8 - Bến xe An Sương do Công ty xe khách Sài Gòn đảm trách chấm dứt hoạt động. Lộ trình thay thế cho hành khách là tuyến buýt số 27 Công viên 23-9 - Âu Cơ - Bến xe An Sương và tuyến buýt số 62 từ Bến xe Quận 8 về khu vực Trường Chinh - Phan Huy Ích. Lý do dẫn tới sự “chết yểu” của hai tuyến xe buýt này giống nhau: khai thác không hiệu quả mặc dù cả hai đều là tuyến xe buýt có trợ giá từ Nhà nước.
TTQL&ĐHVTHKCC cho biết dự kiến trong năm nay sẽ còn 2 tuyến xe buýt nữa chấm dứt hoạt động. Cụ thể là tuyến buýt mã số 26 Bến xe miền Đông - Bến xe An Sương và tuyến Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM, mã số tuyến 50.
Đây là sự kiện tích cực hay ngược lại là tùy theo góc nhìn của mỗi người, tuy nhiên một cách khách quan, suy cho cùng đây cũng chỉ là một sự sàng lọc, đào thải theo quy luật thị trường.
Dù ngành công chính buộc phải đóng cửa một số tuyến buýt như đã nêu, nhưng phải nhìn nhận rằng thời gian qua hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của TP đã có những chuyển biến tích cực, phục vụ cho nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao của cư dân thành thị, qua đó góp phần làm giảm ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, góp phần không nhỏ trong sự phát triển kinh tế - xã hội TP.
Theo thống kê của TTQL&ĐHVTHKCC, tính đến đầu năm 2014, toàn địa bàn TP có tổng cộng 145 luồng tuyến xe buýt, trong đó tuyến xe buýt có trợ giá áp đảo với 110 tuyến. Hầu hết tuyến xe buýt có trợ giá là loại hình buýt phổ thông nội tỉnh, còn lại là tuyến lân cận.
Các luồng tuyến này có sản lượng vận tải hành khách công cộng hơn 624 triệu lượt hành khách trong suốt năm 2013, đạt tỷ lệ 96,2% chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm, trong đó xe buýt có trợ giá phục vụ sản lượng hơn 394 triệu lượt, còn lại là sản lượng phục vụ của xe buýt không trợ giá, buýt phổ thông, buýt đưa rước học sinh - sinh viên - công nhân và taxi. So với cùng kỳ năm trước đó, sản lượng phục vụ tính ra đã tăng 4,2%. Nói cách khác, ngành vận tải hành khách công cộng trong năm 2013 đã đáp ứng 10,7% nhu cầu đi lại của người dân.
Bản thân các phương tiện xe buýt, để nâng cao chất lượng phục vụ theo đòi hỏi của thời đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hành khách cũng như để nâng cao trình độ quản lý, các đơn vị - nhà xe đã chủ động đầu tư, trang bị các thiết bị hiện đại như hệ thống GPS, hệ thống giám sát hành trình, hệ thống rao trạm tự động, bán vé tự động và cả đầu tư xe chạy bằng nhiên liệu sạch CNG… Dù sao đi nữa, những nỗ lực ấy vẫn là những điểm son đáng ghi nhận. Việc quan tâm, đặt nặng yêu cầu phương tiện đầu tư mới phải đạt tiêu chuẩn khí thải Euro III chẳng hạn, ít nhiều cũng cho thấy ngành chức năng thành phố đã và đang đặc biệt chú trọng yếu tố bảo vệ môi trường và tiết kiệm tiêu hao nhiên liệu khi lựa chọn loại phương tiện đưa vào khai thác trên tuyến. Trên thực tế, dù không tuyên bố long trọng, rình rang nhưng rõ ràng địa hạt xe buýt tại TP đang từng bước được cơ quan chức năng chuyển hướng dần sang mô hình xe buýt sạch, thân thiện với môi trường, mà biểu hiện đầu tiên là yếu tố bảo vệ môi trường ngày càng được chú ý hơn ngay từ khâu đầu tư phương tiện như vừa nói. Có lẽ vì vậy mà trong quy hoạch đầu tư 1.680 xe buýt cho TP giai đoạn từ nay đến năm 2015, cơ quan chức năng đã ưu tiên dành 300 suất đầu tư cho loại xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, giảm thiểu khí thải gây hại cho môi trường.
Thông qua những cố gắng gần đây của ngành công chính nói chung và lĩnh vực xe buýt nói riêng, có thể thấy rằng đang có một nỗ lực bứt phá từ cơ quan chức năng để trong tương lai dài vực dậy hệ thống xe buýt, còn trước mắt là kịp đáp ứng kỳ hạn chỉ tiêu đã được lãnh đạo thành phố giao cho ngành công chính. Còn nhớ khi ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ IX về chương trình kéo giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011 - 2015 và xa hơn, tầm nhìn đến 2020, chính quyền thành phố đã xác định phải tăng cường hơn nữa năng lực vận chuyển hành khách của xe buýt. Cụ thể, khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị bằng xe buýt đến năm 2015 của thành phố phải đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại và đến năm 2020 con số đó phải tăng lên gấp đôi, tức phải tối thiểu đáp ứng 30% nhu cầu đi lại. Bây giờ đã bước vào những tháng đầu tiên của năm 2014, nghĩa là thời điểm 2015 cũng chẳng còn bao xa nữa. Vì thế từ nay đến cuối năm và trong năm 2015, hệ thống xe buýt thành phố phải tăng tốc phục vụ hành khách hiệu quả hơn.
THIỆN NHÂN