Xem tivi thấy Tổng thống Medvedev tuyên bố Nga bãi bỏ việc chuyển “giờ mùa hè” sang “giờ mùa
đông” vì điều này có thể gây ra cơn stress và bệnh tật. Chẳng đợi ông Medvedev chính thức tuyên bố, mấy hôm nay, từ ngoài phố đến trường học đâu đâu cũng nghe người dân bàn tán chuyện bãi bỏ quy tắc chuyển giờ mùa đông đã tồn tại ở nước Nga trong 30 năm qua.
Như vậy, đây là lần cuối cùng người dân sẽ chứng kiến việc thay đổi múi giờ vào tháng 3 năm nay. Từ đêm 26-3, vị trí kim đồng hồ sẽ tiến thêm 1 tiếng, sau đó thời gian sẽ được giữ cố định như vậy kể cả mùa hè hay mùa đông tại Nga. Tháng 3 năm ngoái, Chính phủ Nga cũng có quyết định thay đổi từ 11 múi giờ còn 9.
Vậy là mình phải tập làm quen với múi giờ mới ở xứ bạch dương này. Hỏi bác Kyva, một chuyên gia kinh tế đã nghỉ hưu lý do tại sao Nga cứ đổi múi giờ thì bác cho biết chính phủ muốn thúc đẩy phát triển kinh tế tạo thuận lợi cho công việc của các ngành giao thông, liên lạc, chứng khoán, ngân hàng. Các tổ chức kinh doanh và tài chính cũng giảm bớt các vấn đề thường gặp phải khi cần thực hiện thanh toán giữa các chi nhánh trải rộng trên một diện tích lãnh thổ rộng lớn.
Dựa vào dữ liệu của giới chuyên viên, ông Dmitry Medvedev giải thích thêm việc đổi giờ hàng năm gây thiệt hại cho sức khỏe người dân, có nhiều người bị nhầm lẫn về thời gian, có nhiều người không biết làm gì trong 1 tiếng chênh lệch và ông cho rằng chuyện giải quyết vấn đề này là cần thiết.
Đã nhiều năm liền ở Nga có nhiều tranh luận xung quanh vấn đề “đổi giờ”. Nay có thông tin đổi múi giờ từ mùa đông sang mùa hè lần cuối cùng, mùa đông nước Nga tưởng chừng như rất lạnh lẽo hóa ra lại nóng hơn bình thường. Theo cách nhìn của giới năng lượng, quy tắc chuyển “giờ mùa đông” hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, ý kiến của nhà tâm lý học Sergei Klyuchnikov cho biết động thái này tác động tiêu cực đến hệ thần kinh, đến tình trạng sức khỏe, làm giảm năng suất lao động. Nga là đất nước phương Bắc, đa số người sống ở các khu vực mà vào mùa hè có ánh sáng mặt trời hầu như suốt ngày đêm, còn vào mùa đông thì trời tối và lạnh. Bởi vậy, vào mùa đông, mọi người phải dùng nhiều điện, sự tiết kiệm hầu như không nhận thấy được.
Vì thế, giới chuyên viên đúc kết, việc đổi giờ hàng năm gây hại cho người dân, còn Nhà nước thì sau đó phải đền bù bằng chứng chỉ mất sức lao động.
Mới sang Nga chưa đầy năm nên mình cũng không biết rõ vào thời điểm này năm ngoái nước Nga đã xôn xao như thế nào. Theo dõi báo chí thì thấy chủ đề này vẫn xuất hiện trên các trang báo suốt trong tuần qua. Có báo còn lấy ý kiến của người dân, người ủng hộ, người không.
Câu chuyện này không biết khi nào mới có điểm dừng. Thôi đành chờ xem phản ứng của người Nga sau đêm 26-3 vậy
PHẠM DƯƠNG