Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình

Tháng 7, đất Quảng Trị ào ạt gió Lào, nắng rực lửa. Tháng 7 bầu trời Quảng Trị thêm muôn phần thiêng liêng khi mảnh đất nhỏ bé này hiện hữu hơn 52.000 vong linh anh hùng liệt sĩ. Những ngày này, quyện trong nhang khói, những giọt nước mắt vẫn lăn dài theo chân hàng vạn người thân của bao chiến sĩ, người dân hành hương về nguồn.

1. Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sĩ với trên 52.000 mộ. Đặc biệt, có nghĩa trang Trường Sơn mà mỗi lần nhắc đến ai cũng rưng lòng. Nghĩa trang Trường Sơn nằm ở huyện Gio Linh tỉnh Quảng Trị, là nơi an nghỉ của 10.263 mộ chí được quy tập từ khắp các chiến trường. Mỗi năm, Quảng Trị tiếp đón hơn 850.000 du khách hành hương.

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia đường 9, nơi có hơn 10.000 mộ chí của anh hùng liệt sĩ cũng đồ sộ không kém nghĩa trang Trường Sơn. Những ai hành hương đến khu vực trung tâm cũng kính cẩn nghiêng mình trước ngôi mộ tập thể gồm 105 chiến sĩ của Trung đoàn Đặc công 48 thuộc Sư đoàn 320. Họ hy sinh cùng ngày 2-2-1968. Cái ngày định mệnh đó, địch bao vây, phục kích đơn vị tại huyện lỵ Cam Lộ (Quảng Trị), bắn chết cả trăm chiến sĩ. Chúng đào hố sâu rồi đưa thi thể bộ đội xuống, tẩm xăng đốt cả mấy ngày mới tắt lửa. Cạnh ngôi mộ ấy là ngôi mộ của 80 liệt sĩ không xác định được danh tính, quê quán. Người ta chỉ biết được họ có gốc gác từ Đoàn 31 đặc công, hy sinh ở Tân Cường, Cam Thành, Cam Lộ. Một dòng chữ tươi rói như cứa vào tim: “Mộ 80 liệt sĩ chưa biết tên”.

Cảm động thấu tim, GS Vũ Khiêu đã ghi vào quả chuông tại nghĩa trang:

“Hồi chuông vị quốc rung Nam Bắc

Ngọn lửa anh linh rực đất trời

 Muôn dặm từng vang đường số chín

 Ngàn thu còn mãi tuổi hai mươi”.

2. Tại Quảng Trị, có một nghĩa trang có hơn 1.000 mộ liệt sĩ mà đa phần đều ghi trên bia đá dòng chữ: “Liệt sĩ chưa biết tên”. Nhiều người ở thành cổ Quảng Trị đã từng gọi đó là nghĩa trang của những anh hùng “chính danh”. Người ta lý giải, những nấm mồ không tên không tuổi đó chính là cái tuổi bất tử, cái danh bất diệt của những người anh hùng trong lòng nhân gian.

Thành cổ Quảng Trị cách đây 39 năm rất thường trực trong bản tin của các hãng thông tấn trên thế giới. Đã có rất nhiều thước phim, bài báo về thành cổ Quảng Trị nhưng chưa thể lột tả được sự khốc liệt của khúc tráng ca 81 ngày đêm rực lửa ở nơi đây. Có tài liệu ghi chép về thành cổ này, bộ đội ta hy sinh 1 vạn người, có tài liệu đưa ra 1,5 vạn. Số lượng đạn bom trong những ngày đêm đó được tổng kết tương đương sức công phá của 8 quả bom nguyên tử từng ném xuống Nhật Bản. Nguyên nhân của nghĩa trang với ngàn nấm mồ chưa biết tên là vậy.

3. Quảng Trị có một “nghĩa trang xanh” mang hình hài của hàng vạn chiến sĩ. Nghĩa trang ấy có tên - sông Thạch Hãn. Lần giở quá khứ, vào ngày 16-9-1972, toàn bộ lực lượng bộ đội trấn giữ thành cổ Quảng Trị nhận lệnh rút về bờ Bắc sông Thạch Hãn. Tháng 9, dòng Thạch Hãn cuộn lũ, nước réo xiết về Đông. Hàng ngàn chiến sĩ, thương binh vượt lũ đã không chống chọi được dòng nước chảy mạnh và trầm mình hy sinh.

Ngày đó, con sông Thạch Hãn thành dòng sông nhuốm máu, trở thành “nghĩa trang xanh” cho hàng ngàn người lính oai hùng của thành cổ Quảng Trị. Họ nằm đó để mỗi năm cứ đến tháng 9, dòng Thạch Hãn lại một màu thẫm đỏ như tri ân đức hy sinh của ngàn người lính cho dòng nước êm đềm chảy. “Nghĩa trang xanh” đó cứ mỗi bận các cựu binh về thăm là họ lại thả hoa viếng đồng đội. Trong đó có Lê Bá Dương, ngày hòa bình, từ miền Nam trở ra, ông chất đầy một thuyền hoa huệ trắng rồi lặng lẽ thả xuống dòng nước viếng bạn bè. Cũng chính nơi đây, ông đã cất lên vần thơ:

“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm...”.

4. Tháng 7 ở Quảng Trị, những cuốn sổ lưu niệm tại các nghĩa trang bất tận cảm xúc của dòng người hành hương từ khắp nơi tìm về. Trong cuốn số vàng lưu niệm có dòng chữ nhỏ của em Nguyễn Huỳnh Cẩm ở quận 1, TPHCM: “Cháu sinh ra khi đất nước có hòa bình. Được cười, được nói, được lớn lên vui tươi, bình yên. Cháu biết ơn sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Chính sự hy sinh đó mà chúng cháu có được những tháng ngày của yêu thương, của hòa bình”.

Năm nào cũng thế, người dân từ TPHCM, Hà Nội và cả nước đều về với Quảng Trị dịp tháng 7 thiêng liêng, tự hào. Không một nghĩa trang nào của cả nước không được thắp hương. Nghĩa trang nào ở Quảng Trị cũng đủ đầy dòng người kính viếng. Tháng 7, trên bầu trời Quảng Trị theo như GS Vũ Khiêu:

“Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sĩ

Dạt dào Đông Hải khí anh linh

Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí

Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình”.

Minh Phong

Tin cùng chuyên mục