Mỹ bị phản đối vì rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu

Rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là một trong những cam kết tranh cử quan trọng của Tổng thống Donald Trump...
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh Reuters
Hãng Reuters đưa tin, rạng sáng 2-6 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức công bố quyết định rút nước này khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, bước đi giúp ông hiện thực hóa cam kết tranh cử song sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nỗ lực ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu và ấm lên của Trái đất. Tuy nhiên, ông Trump khẳng định Washington sẽ xúc tiến các cuộc thương lượng để tham gia một thỏa thuận khác công bằng hơn đối với nước Mỹ. 

Rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là một trong những cam kết tranh cử quan trọng của Tổng thống Donald Trump. Theo Nhà Trắng, đây là một hiệp định tồi vì bất công với Mỹ, góp phần cướp công ăn việc làm của người lao động Mỹ và gây tổn thương cho những người nộp thuế tại Mỹ. 

Sau quyết định của ông Trump, lãnh đạo 3 nước Anh, Pháp và Đức đã ra tuyên bố chung khẳng định hiệp định này sẽ không thể được đàm phán lại. Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres cho rằng quyết định của Mỹ là nỗi thất vọng lớn.

Tại Mỹ, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định việc làm này cho thấy Mỹ đang từ chối tương lai của chính mình giống như một số quốc gia khác không ký kết hiệp định. Hơn 60 thị trưởng của các TP tại Mỹ đã cam kết sẽ theo đuổi mục tiêu của hiệp định và tham gia Chương trình thị trưởng hành động vì khí hậu (MNCAA). Đây là một mạng lưới kết nối 88 thị trưởng các thành phố ở Mỹ với dân số hơn 43 triệu người nhằm củng cố các nỗ lực tại địa phương cắt giảm khí thải nhà kính và hỗ trợ hoạch định chính sách thống nhất giữa cấp liên bang và toàn cầu. 

Ngoài ra, một số bang lớn khác của Mỹ như California, New York và Washington đã đồng loạt lên tiếng khẳng định sẽ ủng hộ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. 3 bang này chiếm tới 1/5 GDP của Mỹ và có tổng số dân là 68 triệu người, tương đương 1/5 số dân của quốc gia này.
 Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu mà cựu Tổng thống Mỹ Obama ký tham gia năm 2015, bao gồm 195 nước thành viên. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một văn bản quốc tế có sự tham gia mạnh mẽ và đông đảo như vậy. Hiệp định này quy định tất cả các nước thành viên phải đề ra một mục tiêu rõ ràng nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. 

Tin cùng chuyên mục